Thi đua tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

03/04/2018 - 06:46

 - Công tác thi đua có tầm quan trọng đặc biệt, là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Năm 2017, An Giang đã đạt được nhiều thắng lợi trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó, công tác thi đua khen thưởng đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển đó.

Đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các thành phần KT ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu nhằm thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua, như: “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “An Giang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp An Giang hội nhập và phát triển”...

Đặc biệt, phong trào thi đua vận động quỹ “Vì người nghèo” đã trở thành phong trào thiết thực, sâu rộng, với sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Năm 2017, quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật, với tổng trị giá trên 131 tỷ đồng.

Từ số tiền trên đã cất mới, bàn giao, sửa chữa 2.097 căn nhà Đại đoàn kết; tặng trên 169.000 phần quà cho hộ nghèo; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho hơn 28.000 trường hợp; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 20.500 người nghèo; vận động xe cứu thương, làm cầu, nâng cấp lộ nông thôn…

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh thừa ủy quyền trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các tập thể, cá nhân xuất sắc

Cùng với đó, tỉnh còn phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, thi đua bảo đảm an toàn giao thông, chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhận xét: “Nhìn chung, thời gian qua, các phong trào thi đua không chỉ tăng về quy mô, số lượng mà còn chú trọng về chất lượng. Từ đó, đã tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, góp phần cải thiện đời sống dân cư, trật tự an toàn XH và đã đạt được nhiều thành tựu phấn khởi”. 

Cụ thể, GRDP đạt 5,11% (cao hơn năm 2016), cơ cấu KT tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực và dần ổn định; tổng giá trị nông - lâm - thủy sản đạt trên 40.000 tỷ đồng (tăng 1,82% so năm 2016); giảm 1,51% số hộ nghèo (đạt 100,66% kế hoạch năm 2017)…

Đáng ghi nhận là các phong trào thi đua đều bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Các phong trào thi đua ngày càng chú trọng hơn việc phát hiện, nêu gương và khen thưởng người lao động trực tiếp. Trong năm 2017, tỷ lệ khen thưởng đối với nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp là công chức, viên chức tăng lên 55,6% (đối với khen cấp tỉnh) và 22,7% (đối với khen cấp Nhà nước). Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức lễ vinh danh 337 tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu trong hoạt động XH hóa và an sinh XH, ghi nhận công lao, đóng góp công sức, vật chất cho sự phát triển của tỉnh.

Đây là hoạt động ý nghĩa, có tác dụng động viên, khích lệ toàn XH chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn, hướng đến XH công bằng, giàu đẹp, văn minh cho tất cả mọi người.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018 đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn XH phải nỗ lực hơn nữa để đạt được những mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng và Chỉ thị 22 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Theo đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua theo hướng thiết thực hơn, như: đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và trật tự an toàn XH…

Việc tổ chức thi đua phải diễn ra thường xuyên, liên tục gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, đơn vị. Công tác khen thưởng phải đảm bảo dân chủ, công khai, được mọi người thừa nhận, tránh khen tràn lan, nể nang, thành tích chưa nổi bật; để phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất hơn và thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

THU THẢO