Thi đua yêu nước đi vào hoạt động thực tiễn

19/06/2019 - 07:47

 - Những năm qua, Lữ đoàn 962 duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, bởi đó là cơ sở đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị. Hơn thế nữa, đây là động lực để mỗi quân nhân không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sôi nổi phong trào thi đua ở Lữ đoàn 962

Thi đua trên mọi lĩnh vực

Trước khi bước vào huấn luyện, trên cơ sở kết quả đạt được trước đó và tình hình thực tế đơn vị, lữ đoàn đã tổ chức phát động thi đua đột kích với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó tập trung phấn đấu hoàn thành tốt nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện đã được phê duyệt. Trong quá trình huấn luyện luôn bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc" gắn với yêu cầu "Nhanh, mạnh, chính xác", trong đó chú trọng tổ chức huấn luyện sát với điều kiện địa bàn sông nước và nhiệm vụ đặc thù của đơn vị; quân số tham gia huấn luyện thường xuyên đạt trên 98,5%; kết quả kiểm tra các nội dung đều đạt khá giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị.

Chủ động xây dựng, bổ sung hoàn thiện các văn kiện sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án theo phân cấp; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai... Từ năm 2014 đến nay, lữ đoàn đã cứu hộ thành công 15 lượt phương tiện (có 3 sà lan từ 300 - 850 tấn) và hàng chục người dân gặp nạn trên sông.

Trong phong trào thi đua "Đơn vị nuôi quân giỏi", "Quản lý quân nhu tốt", lữ đoàn tự bảo đảm được trên 80% nhu cầu về thịt, cá và rau, củ, quả các loại. Thu hoạch 261,55 tấn rau, củ, quả, đạt 100,8% kế hoạch; 102,75 tấn thịt, cá, đạt 102% kế hoạch. Từ nguồn thu này đã đưa vào ăn thêm 2.000 đồng/người/ngày, thưởng tiền Tết Nguyên đán từ 200.000 - 1,6 triệu đồng; tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 99%...

Nhân rộng điển hình tiên tiến

Từ phong trào thi đua yêu nước đã có hàng chục cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến được nhân rộng, tạo động lực thi đua và học tập ở các cơ quan, đơn vị. Đó là đại úy Phan Trọng Hữu (trợ lý cơ yếu, Phòng Tham mưu). Hữu thường xuyên duy trì vững chắc hệ thống kỹ thuật mật mã, thực hiện nghiêm chế độ trực nghiệp vụ 24/24 giờ theo quy định. Đại úy Hữu tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi trong sách vở, tạp chí ngành cơ yếu, thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo và học tập kinh nghiệm của các đồng chí trong ngành cơ yếu cấp trên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ đó làm chủ được máy móc, làm chủ được công nghệ, bảo đảm bí mật thông tin cho đơn vị ngày càng tốt hơn. 5 năm qua, đồng chí Hữu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Trong quá trình công tác, thượng úy Đinh Cao Cường (nhân viên điện tàu thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1) phát hiện phần lớn phương tiện của đơn vị đã cũ, thân tàu thường bị gỉ sét, rò rỉ nước, có nguy cơ chìm tàu, mất an toàn rất cao, nhất là vào ban đêm, lúc vắng người. Để khắc phục tình trạng trên, Cường đã miệt mài nghiên cứu và cho ra đời “Hệ thống tự động bơm chống chìm trên tàu”, với thiết kế hệ thống phao nổi, rờ-le cảm biến kết nối với máy bơm, truyền tín hiệu báo động, kích hoạt bơm hút khi khoang tàu bị nước tràn vào, để chống chìm khi tàu gặp sự cố.

Trung úy Đỗ Hoàng Duy (thuyền trưởng Tàu 18-42-56, Tiểu đoàn 1) đã bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Rọ cứu hộ, cứu nạn trên tàu” có tác dụng cứu giúp người bị nạn trên sông, biển hay kênh, rạch... Sáng kiến của Duy đã được các cấp đánh giá cao và đạt giải A trong Hội thi nghiên cứu sáng kiến, cải tiến ngành hậu cần quân khu năm 2018.

Ngoài thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng thi đua, khen thưởng, Phòng Chính trị còn tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giữ vững và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Qua đó, đơn vị đã trích quỹ tăng gia sản xuất, quỹ đồng đội, quỹ hỗ trợ tang lễ để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, cán bộ nghỉ hưu, trẻ em nghèo hiếu học, những đồng chí cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, thân nhân gia đình quân nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc từ trần... mỗi năm trên 400 triệu đồng; có hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lao động giúp dân đắp đường, vệ sinh môi trường, sửa nhà, trường học, xây cầu dân sinh và phòng, chống sạt lở trên địa bàn…

Có thể nói, từ các phong trào thi đua gắn với thực tiễn hoạt động đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, những năm qua, toàn Đảng bộ Lữ đoàn không có trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từng bước hình thành những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị.

Thượng tá LÊ THANH NHÃ (Phó Chính ủy Lữ đoàn 962)