Thí sinh được cha cõng đến trường thi giờ ra sao?

18/07/2018 - 15:08

 - Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, hình ảnh làm nhiều phụ huynh, học sinh, phóng viên vô cùng xúc động là cảnh người cha cõng đứa con trai khuyết tật đến trường thi. Vượt qua bao năm tháng nhọc nhằn đưa con đến với ước mơ, cuối cùng “quả ngọt” mà cả gia đình thu được chính là đứa con trai Chau Giàu đậu điểm cao nhất ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học An Giang).

Ngày ấy, đến thăm gia đình chúng tôi thấy rõ cả niềm vui và bao nỗi lo toan khi không biết phải lo cho Giàu đi học như thế nào. Cuối cùng, được sự động viên, khích lệ của nhiều người, bà Néang Sóc Khom (mẹ em Giàu) quyết định cùng con "đi học". Bởi, Chau Giàu bị sốt bại liệt từ nhỏ, 2 chân teo tóp không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến gia đình.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ Phòng Công tác sinh viên, Giàu và mẹ được hỗ trợ nơi ăn ở tại ký túc xá. Ngoài ra, mẹ em còn được đảm nhận là nhân viên lau dọn ký túc xá. Hàng ngày, xong công việc chính, mẹ em có nhiều thời gian để chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt cá nhân cho con. Giàu đã được nhà trường miễn học phí, tặng học bổng, được bạn bè quan tâm, đưa đón đến giảng đường. Những điều kiện thuận lợi ấy đã tiếp thêm niềm tin, động lực để Chau Giàu phấn đấu và trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo.

“Khi nhiều tổ chức, cá nhân biết hoàn cảnh và nghị lực vượt khó của em đã mời em tham gia các chương trình như “Tỏa sáng nghị lực Việt” nhằm giúp các em có hoàn cảnh khuyết tật như em lạc quan và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đó còn là các chương trình chia sẻ, tạo động lực phấn đấu cho các em học sinh tiểu học, là những buổi chuyên đề “Giữ lửa đam mê” cho các bạn thanh niên trẻ lập thân, khởi nghiệp. Chính các hoạt động ấy, ngoài việc truyền cảm hứng các bạn trẻ còn giúp bản thân em tự nhìn nhận lại hành trình bản thân và có bước phấn đấu cao hơn để mơ về một tương lai tươi sáng”- Chau Giàu bộc bạch.

Chau Giàu lưu lại ký túc xá để làm thêm ngày hè

Chau Giàu lưu lại ký túc xá để làm thêm ngày hè

Là một cậu học trò mê công nghệ thông tin mà chỉ được tìm hiểu kiến thức trên mạng qua điện thoại di động, đến khi chính thức trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Giàu mới được sở hữu 1 chiếc laptop. Điều may mắn đó đã mở ra một chân trời bao la mà nơi đó Giàu đã tha hồ khám phá, học tập và viết nên những điều kỳ diệu.

Giàu chia sẻ: “Trước đây, em chọn ngành Công nghệ thông tin vì nghĩ với sự khiếm khuyết của bản thân sẽ không thể chọn ngành nào khác hơn, đến khi là sinh viên năm thứ 3 em thấy rõ sự lựa chọn của mình càng đúng đắn. Em mê lắm những giờ được thầy, cô trao truyền kiến thức và hướng dẫn những chương trình, phầm mềm mới. Về nhà lại thao tác thường xuyên trên máy tính nên kết quả học tập luôn đạt khá, giỏi”.

Không tự hài lòng với những thành tích nho nhỏ đạt được, Giàu nghĩ rằng, trong một thế giới công nghệ mênh mông, mình càng phải nỗ lực hơn nữa và lựa chọn cho mình một hướng đi cụ thể. Thế là, ngoài việc học tập trên lớp, Giàu còn đảm nhận việc làm thêm, với các công đoạn viết web, lập trình, xây dựng phần mềm thông minh cho công ty giải pháp công nghệ. Dù số tiền thù lao chỉ được chút ít nhưng Giàu vẫn kiên trì vì em nghĩ đó chính là môi trường cọ xát, giúp việc học gần gũi với thực tế hơn.

Bà Néang Sóc Khom thấy con vất vả cũng lắm xót xa: “Giàu do bệnh từ nhỏ nên không có sức khỏe, người gầy gò chỉ 30kg nhưng đầu óc rất sáng dạ, học đâu biết đó. Do vậy, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, chồng tôi ở quê nhà Tri Tôn còn phải lo cho đứa con nhỏ nhưng gia đình luôn cố gắng, cho con hoàn thành ước mơ có nghề nghiệp, việc làm để tự nuôi sống bản thân”.

Thấu hiểu những nhọc nhằn, hy sinh của cả gia đình, Chau Giàu càng ý thức hơn trách nhiệm và sự nỗ lực của bản thân để hoàn thành những năm tháng trên ghế nhà trường. Trải qua biết bao gian khó từ ngày cắp sách đến trường trên chiếc xe cũ kỹ của cha, vòng tay nâng đỡ của bạn bè, thầy cô, trên chiếc xe lăn và những suất học bổng đầy ắp tình thương của cộng đồng và cả những ngày vật lộn với đau ốm, bệnh tật, Giàu cho rằng bản thân luôn đủ tự tin để bước tiếp con đường phía trước. Duy chỉ có một điều em luôn hy vọng nhất đó là sự thừa nhận của cộng đồng đối với những nỗ lực của người khuyết tật, luôn tạo cơ hội để họ vượt qua nghịch cảnh và cống hiến ngày càng nhiều hơn cho xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG