Thị trường lúa, gạo tiếp tục trầm lắng

27/08/2019 - 07:23

 - Thị trường lúa, gạo tiếp tục trầm lắng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là “cầu ít, cung nhiều”. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhu cầu nhập khẩu gạo ở các thị trường thế giới đều sụt giảm, trong đó 3 thị trường chính của gạo Việt là Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm mạnh.

Thị trường lúa, gạo tiếp tục trầm lắng

Nông dân mang lúa lên đường, chờ thương lái đến mua. Ảnh: HOA NGHĨA ĐOÀN

Giao dịch chậm

Động thái trên đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường như: giao dịch lúa, gạo trong nước chậm lại, sức mua của thị trường kém hẳn (nguyên nhân do thu nhập của đại bộ phận nông dân giảm, bà con chi tiêu tiết kiệm), các loại hàng hóa từ xe gắn máy, vật liệu xây dựng đến hàng tiêu dùng đều bán chậm, nguồn thu cho ngân sách nhà nước sụt giảm. Thị trường lúa, gạo tiếp tục trầm lắng đã dẫn đến một chuỗi các khó khăn, gây áp lực lớn lên nền kinh tế của tỉnh. Vụ đông xuân và hè thu đã có nhiều cánh đồng lúa chín vàng, thậm chí ở xã Tân Thạnh (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), có thời điểm lúa chín vàng trên đồng nhưng phải chờ thương lái đến mua.

Đối với gạo Việt hiện nay, thị trường truyền thống giảm nhập, thị trường mới do doanh nghiệp khai mở chưa bù đắp nổi sản lượng thiếu hụt, đã làm cho giá lúa trên đồng ở cả 2 vụ vừa qua luôn ở mức thấp, nhà nông lời ít. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2019, giống lúa IR 50404 nông dân chỉ bán được cho thương lái dưới 5.000 đồng/kg. Có thời điểm, giống lúa trên chỉ bán được 3.900 đồng/kg. Hiệu quả sản xuất của nông dân chỉ “Lấy công làm lời”. “Mỗi công lúa, doanh thu chỉ còn ở mức 2,6 - 2,8 triệu đồng/công/vụ. Biến đổi khí hậu đã làm năng suất giảm đáng kể. Giá lúa ở mức thấp nên doanh thu cũng chỉ có vậy. Đời sống nông dân rất chật vật, ai cũng tiết kiệm trong tiêu dùng” - ông Bùi Phú Hữu, nông dân xã Hòa Bình Thạnh (Châu Thành), chia sẻ.

Trước khó khăn trên, ngay đầu vụ đông xuân, Chính phủ đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua lương thực dự trữ cho quốc gia. Ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực có đủ lượng tiền để mua lúa hàng hóa của nông dân. Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. Chính những việc làm cụ thể đó đã cơ bản góp phần tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa của nông dân, kiềm giữ giá lúa trên thị trường không giảm sâu, đảm bảo nông dân từ huề vốn đến có lời ít.

Sản xuất lời ít

“Thực tiễn sản xuất hiện nay đang đặt ra cho nhà nông rất nhiều vấn đề như: biến đổi khí hậu làm năng suất giảm đáng kể, dịch hại trên đồng ruộng ngày càng nhiều và khó điều trị; vật tư nông nghiệp luôn tăng; tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn còn, rủi ro ở mỗi mùa vụ sản xuất là rất lớn. Khắc phục được những khó khăn trên, nông dân mới có thể thở phào…” - ông Hữu phân tích.

Gia đình ông Bùi Phú Hữu canh tác 4ha lúa IR 50404. Vụ hè thu vừa qua, thương lái thu mua lúa của ông chỉ có 3.900 đồng/kg. Sản xuất kém hiệu quả, việc chi tiêu của gia đình luôn được thắt chặt. Sản xuất lúa hàng hóa kém hiệu quả, nhiều nông dân trong tỉnh đã chuyển sang trồng lúa giống nhằm cứu vãn tình thế, tuy nhiên, nếu ai cũng sản xuất lúa giống thì sẽ tiếp tục gặp khó. “An Giang là tỉnh nông nghiệp, đại bộ phận là nông dân, năm nào lúa không có giá thì việc mua bán rất ế ẩm bởi nông dân thắt chặt chi tiêu. Những năm lúa có giá, từ quán cà phê đến các tiệm cơm, phở, hủ tiếu hay hàng hóa tiêu dùng đều bán rất chạy”- chị Phan Thị Lài, tiểu thương chợ Tân Châu, phân tích.

7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 3,95 triệu tấn gạo, tương đương kim ngạch đạt 1,71 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo đạt trung bình 432,5 USD/tấn, giảm 14,7% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó các doanh nghiệp An Giang xuất 252.000 tấn, tương đương 128,5 triệu USD. Để thị trường lúa, gạo trong nước bớt trầm lắng, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm 2019 (trên 6 triệu tấn) thì việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ vẫn là một trong những mục tiêu chính của 177 doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng này. 
Báo cáo tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 (tổ chức ngày 24-6-2019 vừa qua) cho thấy, thị trường Trung Quốc chiếm đến 22% thị phần gạo Việt, vì vậy khi Trung Quốc có động thái bảo vệ nền sản xuất trong nước (hạn chế nhập khẩu gạo Việt) thì ngay lập tức, việc tiêu thụ lúa trên đồng cho nông dân gặp khó khăn. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo, hiện lượng gạo dự trữ của Trung Quốc có thể đảm bảo tiêu thụ trong nước lên đến 9 tháng, vì vậy trong những tháng tới, việc xuất gạo vào thị trường này tiếp tục gặp khó. Đây là điều các doanh nghiệp kinh doanh lương thực cần lưu ý. Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra định hướng cho ngành nông nghiệp cả nước trong thời gian tới là giảm bớt 500.000ha đất trồng lúa, chuyển sang sản xuất các loại cây, con khác có thị trường tiêu thụ như trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản và các loại cây phục vụ cho ngành chăn nuôi. Hy vọng với nhiều giải pháp được đưa ra, thị trường lúa, gạo cả nước sẽ sớm trở lại bình thường, đời sống nhà nông tiếp tục nâng lên.

“Đã cuối tháng 8 của năm 2019 nhưng thị trường lúa, gạo trong nước vẫn tiếp tục trầm lắng. Động thái này khiến nông dân vô cùng lo lắng, bởi giá lúa trên đồng tiếp tục ở mức bất lợi cho nhà nông. Như vậy, những vụ tiếp theo, nông dân tiếp tục trồng lúa hay chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định đời sống - đang là câu hỏi trước thực tiễn sản xuất hiện nay” - ông Đặng Văn Tây, nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi huyện Tịnh Biên, đặt vấn đề.

Bài, ảnh: MINH HIỂN