Thích ứng với biến đổi khí hậu

03/01/2019 - 07:50

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, bên cạnh những thuận lợi do điều kiện địa lý, tự nhiên mang lại, nơi đây dễ bị ảnh hưởng bởi những biến đổi thất thường của thời tiết, như: lũ lụt, khô hạn, sạt lở, mưa bão… An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, bền vững.

Sử dụng phân hữu cơ trồng dưa leo cho năng suất cao

UBND tỉnh An Giang vừa phối hợp Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tổ chức hội thảo tham vấn triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các đại biểu, nhà khoa học tập trung trao đổi các nội dung và cách thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang. Đặc biệt, giới thiệu cách thực hiện nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả… có thể áp dụng ở An Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng, trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước Khí hậu. Đến nay, Thỏa thuận Paris đã được 195 nước ký, 173 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước Khí hậu… Hội thảo lần này tập trung trao đổi, bàn thảo các nội dung và cách triển khai của kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ở An Giang, đặc biệt là cách thức thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng.

Mô hình trồng ớt trong nhà lưới ở An Phú không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) Huỳnh Văn Thái cho biết, có nhiều mô hình rất hiệu quả cần tiếp tục thực hiện ở An Giang. Đó là mô hình phát triển sinh kế nhằm tăng thu nhập cho cộng đồng, tận dụng nguồn lao động nông nhàn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ảnh hưởng sức khỏe người dân, giảm gánh nặng cho hệ sinh thái, giảm sử dụng tài nguyên không hợp lý… Cùng với đó, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính) khi áp dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước… Mô hình nuôi cá xen canh trên ruộng lúa (hoạt động trên nguyên tắc hỗ trợ và kế thừa dinh dưỡng giữa lúa và cá nên tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thích ứng điều kiện ngập lũ). Đó còn là mô hình trồng nấm bào ngư giúp đa dạng hóa sinh kế và tăng cường năng lực thích ứng của các hộ gia đình. Việc trồng nấm sử dụng các phụ phẩm hữu cơ trong nông nghiệp như: rơm rạ, mùn cưa… Sau sử dụng, bã trong bịch phôi nấm có thể kết hợp phân hữu cơ dùng để trồng cây ăn quả, hoa kiểng… Ngoài ra, mô hình tích trữ nước mưa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại Tịnh Biên đã góp phần quan trọng trong phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thích ứng với điều kiện thiếu nước và biến đổi khí hậu. Theo khảo sát cho thấy, hơn 80% số hộ được phỏng vấn cho rằng, mô hình trữ nước mưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi vào mùa khô hoặc khi nước máy chưa đáp ứng được.

Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra (lũ lụt, hạn hán, sạt lở, mưa bão…) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016 hơn 1.463 tỷ đồng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đặc biệt ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông, hoạt động kinh doanh, sức khỏe và đời sống… Từ năm 1996 đến nay, xảy ra hơn 450 vụ sạt lở 170km, mất hơn 200ha đất, di dời 7.350 hộ dân.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH