Thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản

09/05/2019 - 09:59

Những năm qua, các doanh nghiệp thủy sản tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn đối mặt với sự thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thiếu hụt nhân lực càng nghiêm trọng hơn. Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ. Tuy nhiên, tình trạng nguồn nhân lực không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thế Phú, phường 12, TP Vũng Tàu, chuyên chế biến thủy sản đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 lao động để mở rộng quy mô sản xuất. Thế nhưng, dù công ty đã thông tin tuyển dụng qua nhiều kênh nhưng số lao động tuyển dụng được cũng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu.

Trong tổng số gần 300 lao động đang làm việc tại công ty có đến 90% là lao động thời vụ và số lao động này thường xuyên biến động khiến doanh nghiệp nhiều phen lao đao. Có trường hợp đơn hàng đã ký nhưng thiếu lao động, để đảm bảo, doanh nghiệp phải xoay xở đủ mọi cách như tăng ca, tăng lương và nhiều chế độ hỗ trợ khác khiến chi phí tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, để giữ chân người lao động, công ty có nhiều chế độ ưu đãi như: xây nhà ở, hỗ trợ phương tiện đi lại, đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội, lương, thưởng, bữa ăn ca… song nhiều người lao động vẫn không mặn mà.

Thiếu nhân lực lao động đang là vấn đề của các công ty xuất khẩu thủy sản.

Anh Vũ Xuân Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thế Phú cho biết, công nhân công ty tuyển được chủ yếu ở các vùng nông thôn trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên khi tới mùa vụ, phần đông công nhân bỏ về để lo công việc mùa màng. Doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng lao động dài hạn với người lao động để nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất nhưng nhiều công nhân không ký.

Lao động phổ thông còn không đáp ứng nhu cầu nên lao động có tay nghề lại càng khó tìm hơn. Để đảm bảo sản lượng xuất khẩu 200 tấn thành phẩm/tháng, Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần 300-400 lao động làm việc ổn định và có tay nghề. Hiện công ty còn thiếu khoảng 150 lao động, chủ yếu là lao động có tay nghề. Tuy nhiên, lao động tuyển dụng không chỉ thiếu về số lượng mà phần lớn lao động đầu vào đều là lao động phổ thông, tay nghề yếu hoặc không có tay nghề.

Không chỉ lo thực hiện đầy đủ các chế độ nhằm giữ chân nguồn lao động có chất lượng, công ty còn phải tập trung đào tạo để nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng công việc ngày càng khắt khe đối với sản phẩm xuất khẩu.

Hiện nay, tình trạng thiếu lao động đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tổng số hơn 900 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động. Số lao động thiếu hụt khoảng 7.000 người nhưng trên thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều, vì các doanh nghiệp chủ yếu tự tìm kiếm nguồn lao động và không cung cấp nhu cầu tuyển dụng tới trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh.

Tình trạng thiếu lao động trong ngành chế biến thủy sản xuất phát từ tính chất của công việc. Tại các công ty chế biến thủy sản không phải lúc nào cũng có nhiều việc mà phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và việc ký hợp đồng với đối tác. Mặt khác, do đây là ngành nghề có tính đặc thù, môi trường làm việc lạnh và ẩm ướt, mùi hôi khó chịu nên nhiều công nhân không mặn mà. Một số lao động chỉ coi đây là ngành nghề tạm thời khi đang nhàn rỗi hoặc thất nghiệp, do đó sau một thời gian nếu tìm được việc khác là họ sẵn sàng “nhảy” việc.

Vì vậy, mặc dù các công ty đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn là bài toán nan giải. Bên cạnh những nguyên nhân đặc thù, việc phát triển mạnh mẽ của nhiều khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác kéo theo sự dịch chuyển, chia sẻ về lao động cũng dẫn đến sự thiếu hụt lao động của nhiều ngành nghề nói chung và ngành chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Anh Đỗ Đình Hải, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng là do nguồn lao động dịch chuyển; đối tượng lao động dịch chuyển qua các ngành công nghiệp có thu nhập cao hơn.

Trước đây, người lao động tại một số doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ yếu là lao động nhập cư, nhưng trong những năm gần đây, đối tượng này giảm dần do các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy về vùng nông thôn để sử dụng lực lượng lao động tại chỗ. Vì vậy, lao động nhập cư dần giảm đi, dẫn đến sự thiếu hụt lao động.

Theo ông Hải, bên cạnh giải pháp của ngành chức năng trong việc định hướng nghề nghiệp đào tạo, cần tăng cường thông tin cân đối cung - cầu lao động, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản cũng cần có chính sách hỗ trợ người lao động để họ sống, gắn bó lâu dài với nghề. Đồng thời, có chính sách chủ động hỗ trợ đào tạo để nâng cao tay nghề, đáp ứng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo HOÀNG NHỊ (Công An Nhân Dân)