Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ ra sao khi không có Mỹ?

10/05/2018 - 14:30

Iran sẽ sớm phải hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ, song Tehran cùng các bên còn lại của thỏa thuận đang tìm cách né tránh các chế tài đó.

Ông Donald Trump kêu gọi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran khi còn vận động tranh cử Tổng thống. Ảnh: AFP

Đó là nhận định đưa ra trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 8-5. 

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận có tên gọi "Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA) đánh dấu sự đảo ngược đáng kể chính sách của Washington đối với Iran và làm dấy lên một số câu hỏi về tình huống cần phải theo dõi sát sao trong những tháng tới. 

Tái áp đặt các lệnh trừng phạt 

Trong tuyên bố của mình, ông Trump vạch ra kế hoạch tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Iran, trong đó có khu vực tài chính và dầu lửa quan trọng mang tính sống còn. Tuy nhiên, toàn bộ các lệnh trừng phạt được Liên minh châu Âu (EU) hay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gỡ bỏ đều không được khôi phục. 

Thỏa thuận hạt nhân Iran giúp dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt hạn chế các công ty nước ngoài, trong đó có công ty của châu Âu và châu Á, giao dịch với Iran. Mặc dù việc Mỹ rút khỏi JCPOA trên thực tế chấm dứt hiệp định đa phương này, song EU ngay lập tức lưu ý rằng họ coi thỏa thuận này là rất quan trọng đối với việc đảm bảo sự ổn định của khu vực và thế giới đồng thời tiếp tục giữ cam kết với thỏa thuận này. Theo đó, Brussels có thể thông qua những điều luật giúp các công ty châu Âu kinh doanh với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời có thể tìm cách cản trở Mỹ cũng như kiện Washington lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, tính bấp bênh của pháp lý và nguy cơ bị Mỹ trừng phạt sẽ buộc nhiều công ty châu Âu phải tuân thủ một số lệnh trừng phạt nhất định của Washington mặc dù được Brussels "chống lưng". 

Những câu hỏi đối với thị trường dầu 

Sự thành công của các lệnh trừng phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu của Iran. Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới việc mua dầu của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 4-11 tới. Nếu muốn được hưởng sự miễn trừ, bất kỳ quốc gia nào cũng phải giảm đáng kể lượng dầu mua của Iran. Các bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ, cùng với Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), sẽ xác định xem từng quốc gia có giảm nhập khẩu dầu của Iran hay không vào cuối mỗi quý. Dựa trên chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, mức giảm cần thiết để được miễn trừ là từ 18-20%. 

Với việc Iran xuất khẩu gần 2,5 triệu thùng/ngày, mức giảm sẽ là khoảng 500.000 thùng/ngày. Con số này là rất thấp nếu so với năm 2012 khi các lệnh trừng phạt khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày. Mặt khác, lần này EU sẽ không áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với nhập khẩu dầu của Iran. Do đó rất khó có chuyện xuất khẩu dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày nếu Tehran tiếp tục là một bên tham gia JCPOA và không tăng cường chương trình hạt nhân của mình. Và trong bất kỳ tình huống nào, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Nga cũng có công suất dư thừa dồi dào để bù đắp cho sự suy giảm lượng cung cấp dầu từ Iran. 

Những phương án đối phó của Tehran 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Tehran coi JCPOA là thỏa thuận giữa Iran và 5 nước khác (gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh) và ông đã chỉ đạo Ngoại trưởng Javad Zarif đàm phán với những nước này về cách thức tiếp tục thỏa thuận. Song nếu các cuộc đàm phán đó thất bại, ông Rouhani tuyên bố rằng Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran nên sẵn sàng bắt đầu tăng mức độ làm giàu urani. 

Do Mỹ không còn là một bên tham gia thỏa thuận, việc thảo luận vấn đề này tại Ủy ban chung JCPOA là chiến lược vô ích. Ngoài đàm phán với EU, Iran có trong tay 3 chiến lược khác gồm: rút khỏi JCPOA và tái khởi động chương trình hạt nhân; gỡ bỏ nghị định thư bổ sung (vốn cho phép các thành sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế dễ dàng tiếp cận các cơ sở hạt nhân của họ); và rút khỏi Hiệp ước Cấm Phổ biến Hạt nhân. Trước mắt, Iran nhiều khả năng tận dụng tối đa các phương án ngoại giao với hy vọng huy động được sự ủng hộ của quốc tế. Song nếu đàm phán thất bại, Iran có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài những phản ứng mạnh hơn. 

Tác động đối với nền kinh tế Iran 

Những thách thức đến từ lệnh trừng phạt không mới và thậm chí đã góp phần kích động các cuộc biểu tình hồi đầu năm nay. Nước Cộng hòa Hồi giáo lâu nay đã phải chật vật tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Nhiều người Iran phàn nàn rằng JCPOA chưa đem lại được cho đất nước lợi ích kinh tế cụ thể nào. Đồng rial của Iran đã giảm từ 36.000 rial/USD hồi tháng 9-2017 xuống chỉ còn 60.000 rial/USD vào tháng 4 vừa qua do những tin đồn Mỹ có thể tái áp đặt lệnh trừng phạt. Tỷ giá ngoại hối biến động, giá thịt gà và bánh mì tăng, và những cuộc biểu tình mới sẽ là những hệ quả mà lệnh trừng phạt gây ra. 

Để đối phó với chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tehran sẽ nhấn mạnh chiến lược kinh tế tự chủ, tức là giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và cải thiện quan hệ với những nước sẵn sàng - hoặc đánh liều - phớt lờ lệnh trừng phạt của Mỹ. Những động thái này sẽ làm tăng cơ hội cho các ngành công nghiệp nặng của Iran. Chính phủ Iran cũng sẽ tìm cách làm dịu các lệnh trừng phạt bằng cách giảm bớt quan hệ kinh tế với những nơi "sợ" áp lực của Mỹ hoặc củng cố quan hệ với những đối tác thân thiện hơn như Nga, Trung Quốc, Qatar và Ấn Độ

Theo TTXVN/Báo Tin tức