Thoại Sơn viết tiếp bản hùng ca “Người đi mở cõi”!

12/04/2019 - 07:32

 - Tự hào với truyền thống vẻ vang của bao thế hệ cha ông, không tiếc máu xương xây dựng, bảo vệ quê hương, Thoại Sơn hôm nay với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, nguyện sẽ viết tiếp bước chân “Người đi mở cõi”!

 

Nhớ ơn “Người đi mở cõi”!...

Theo sử sách, mùa xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua, cụ Thoại đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh.Hơn 1.500 nhân binh tích cực làm việc, luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng Thoại Ngọc Hầu. Qua 1 tháng đào đắp, với việc phát hoang cỏ rậm, nạo vét cát bùn, mở rộng rạch cùng Lạc Dục (từ Ba Bần vào Núi Sập), từ đó mới đào thẳng hướng Núi Sập - Kiên Giang mà hình thành kênh mới. Con kênh dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) nghiễm nhiên trở thành 1 con sông to, tấp nập ghe thuyền. Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và Núi Sập thành Thoại Sơn. Đến năm 1822, Thoại Ngọc Hầu đã long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển văn minh, sầm uất với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Càng tự hào hơn khi cả hệ thống chính trị của huyện luôn nỗ lực, phấn đấu từng ngày để đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019 (sớm hơn lộ trình 1 năm).

Ảnh: Phương Lan

Năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn long trọng tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống huyện lần thứ XVIII và kỷ niệm 197 năm ngày lập làng Thoại Sơn (1822-2019). Hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.Qua đó, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Với tinh thần vui tươi lành mạnh, an toàn tiết kiệm, lễ hội được diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 (nhằm mùng 10 đến 12-3 âm lịch). Lễ hội được nâng tầm cấp tỉnh với các nghi thức thỉnh sắc, khai mạc lễ hội, chương trình sân khấu hóa được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi trước, trong và sau lễ hội như: thông tin tuyên truyền, triển lãm, hội diễn, hội thi, các hoạt động giới thiệu và quảng bá du lịch huyện Thoại Sơn… Đây còn là dịp kỷ niệm 18 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn với quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), khẳng định tình cảm gắn bó, keo sơn giữa Sơn Trà và Thoại Sơn.

…viết tiếp truyền thống vẻ vang!

Noi gương người xưa đi mở cõi, thế hệ Thoại Sơn hôm nay quyết tâm nối tiếp truyền thống hào hùng, tinh thần bất khuất, vươn lên mọi khó khăn để xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm 2000, Thoại Sơn vinh dự nhận danh hiệu huyện “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (2009). Về Thoại Sơn hôm nay, dễ dàng bắt gặp cuộc sống sung túc, xóm làng bình yên, cơ cấu hạ tầng phát triển. Đó là nhờ sự quan tâm, lãnh - chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp lãnh đạo huyện Thoại Sơn qua các thời kỳ.Năm 2018, huyện tập trung phấn đấu, thực hiện thắng lợi tất cả các lĩnh vực.Trong 13 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, có 3 chỉ tiêu đạt và 10 chỉ tiêu vượt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so năm 2017). Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn đạt 14/14.Bước đột phá đáng khen ngợi là có 7 xã “về đích” nông thôn mới trước thời hạn so với lộ trình.

Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn năm 2018

Quá trình xây dựng nông thôn mới, Thoại Sơn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.Nhờ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện Thoại Sơn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đầu năm 2018, toàn huyện có 44.680 hộ dân, với 1.983 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,44%), đến cuối năm 2018, còn 1.388 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,11%). So đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 1,33%, với 639 hộ. Địa phương còn tạo điều kiện mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, thực hiện nhiều dự án lớn, gồm: Khu đô thị Núi Sập 1, 2 (12,6ha); Trung tâm Thương mại Bắc Cống Vong (6ha ở thị trấn Núi Sập); Co.opmart Thoại Sơn (0,6ha)… Hiện, huyện tập trung hoàn chỉnh hồ sơ minh chứng đề nghị tỉnh thẩm định và gửi về Trung ương phúc tra công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (vượt lộ trình 1 năm).

Năm 2019, huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: phấn đấu thực hiện thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tổ chức thành công Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XVIII; tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện; tổ chức đêm văn nghệ tri ân những người có công đóng góp huyện qua 40 năm xây dựng và phát triển, gây quỹ “Vì người nghèo”…

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN