Thông báo trúng thưởng, “ép” mua hàng giá cao, giao hàng kém chất lượng

01/10/2019 - 07:34

 - Ông Nguyễn Kim Long (sinh năm 1957, khóm Bình Khánh 5, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) phản ánh đến Báo An Giang về việc có nhóm người mạo danh Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thông báo trúng thưởng, rồi “ép” mua hàng giá cao, giao sản phẩm kém chất lượng.

Trình bày vụ việc, ông Nguyễn Kim Long (cựu giáo viên Trường Trung cấp Nghề An Giang) cho biết, ngày 15-8, ông nhận cuộc điện thoại xưng là nhân viên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và thông báo: “Ông được chuyển một khoản tiền lớn, đề nghị cung cấp số chứng minh nhân dân, địa chỉ cụ thể để giao hàng”. Nghe xong, ông Long trả lời “đó là giả mạo”, rồi cắt liên lạc. Ngày 16-9, ông nhận được một cuộc điện thoại, xưng là nhân viên của Trung tâm mua sắm Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Họ thông báo, ông là 1 trong 5 người trúng giải thưởng toàn quốc (duy nhất ĐBSCL) do họ tổ chức mua bán hàng trên mạng. Phần quà trúng thưởng trị giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận phần quà, người trúng thưởng phải mua 1 sản phẩm, sau 1 ngày mới biết được tên mặt hàng, các mặt hàng gồm: tivi 60 inch, máy massage, tủ lạnh hiệu sharp, bộ lọc nước… Người nhận quà thưởng sẽ được ghi âm phát trên sóng truyền hình trên toàn quốc. Bị đưa vào thế bắt buộc, ông mua 1 máy massage cầm tay giá 1.780.000 đồng.

Ông Nguyễn Kim Long với món hàng bị vướng mua

Ông Nguyễn Kim Long với món hàng bị vướng mua

Sáng 21-8, một người đến giao mặt hàng King massage, ghi lại địa chỉ bưu cục, người gửi, kèm hóa đơn. Ông Kim Long cho biết: “Tôi kiểm tra xác định đó toàn là “địa chỉ ma”, còn mặt hàng (cùng loại) có 2 nơi bán giá 250.000 đồng/máy, 390.000 đồng/máy. Đến ngày 5-9, họ báo mặt hàng trúng thưởng đang trên đường từ Nhật Bản về, ở cảng, chờ thông quan, sẽ báo nhận sau. Ngay sau đó, họ nói tôi phải mua thêm 1 sản phẩm mới nhận được phần thưởng. Họ đưa nồi cơm điện tử Hàn Quốc trị giá 3.780.000 đồng. Ngày 10-9, một người đến giao hàng. Tôi xác định đây là sản phẩm kém chất lượng, giá thị trường chỉ bằng một nửa, có thể là hàng nhập lậu, trốn thuế. Nghi ngờ về sản phẩm, tôi chụp hình mặt hàng, các hóa đơn và không thanh toán số tiền này. Sau này, tôi kiểm tra xác định giá thị trường là 1,9 triệu đồng. Tôi liên lạc yêu cầu họ cho biết giấy tờ về trúng thưởng, tên mặt hàng, địa chỉ, ngày tổ chức… nhưng họ nói chung chung và lòng vòng”. Ông Nguyễn Kim Long cho biết, ông đã phản ánh việc này đến nhiều nơi, đến số máy của Công an TP. Hồ Chí Minh và đang chờ xem xét giải quyết.

Ông Nguyễn Kim Long không phải là trường hợp cá biệt khi được nhận thông báo trúng thưởng, mua hàng qua nhà mạng. Đã có không ít trường hợp phải “ngậm đắng nuốt cay” khi bị mất số tiền khá lớn, sản phẩm nhận về chẳng ra gì. Qua quảng cáo, bà Lê Thị Minh (66 tuổi, ấp Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) mua nồi cơm điện tử giá 1,8 triệu đồng, nhưng thực tế giá thị trường 690.000 đồng. Ông Huỳnh Thanh Nhân (63 tuổi, ấp An Thái, xã Hòa Bình, Chợ Mới) mua qua mạng máy xịt thuốc trừ sâu giá 3,6 triệu đồng, nhưng thực tế giá chỉ 1,5 triệu đồng. Đó là chưa kể cảnh “khách hàng” bị “xù hàng” sau khi đã chuyển tiền. Có trường hợp không ít người “dở khóc, dở cười” bởi chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhận được khác xa hoàn toàn so với những gì được “giới thiệu”.

Về việc này, một doanh nhân cho biết: “Việc lừa bịp bán hàng qua mạng xã hội xảy ra khá nhiều. Đây là một kiểu “làm ăn mới”, người mua hàng cần tỉnh táo để tránh bị mắc lừa. Chỉ cần 1 tài khoản mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể đăng bán hàng mà không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Mặt khác, khi người mua tố cáo hành vi đến cơ quan chức năng, vấn đề kiểm tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do việc đăng ký tên các tài khoản thường không đúng sự thật. Hiện có nhiều nhóm người cùng thực hiện hành vi, nhưng địa điểm thực hiện hành vi không cùng một địa bàn…”.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Trước hết, người bị lừa bán hàng phải củng cố chứng cứ. Họ có thể lựa chọn phương thức khởi kiện ra tòa án để xem xét giải quyết. Nếu có đủ bằng chứng thì làm đơn yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra xem xét việc điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Bộ luật Hình sự hiện hành: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Bài, ảnh: N.R