Thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư

05/08/2019 - 07:46

 - Nhờ có quỹ đất rộng, điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng những chính sách ưu đãi đặc thù, Tri Tôn trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Thu hút đầu tư mạnh mẽ là cách để huyện miền núi này bứt phá vươn lên.

Triển vọng trang trại bò sữa

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang diễn ra ngày 15-12-2018, Tập đoàn TH (được biết đến với thương hiệu sữa TH True Milk) là một trong những doanh nghiệp ký cam kết đầu tư với Chủ tịch UBND tỉnh. Quyết tâm của Tập đoàn TH là triển khai dự án đầu tư phát triển bò sữa tại huyện Tri Tôn với tổng nguồn vốn lên đến 6.000 tỷ đồng.

Để có được buổi lễ ký kết trang trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh trực tiếp ra Hà Nội làm việc với lãnh đạo Tập đoàn TH, mời gọi tập đoàn lớn này đầu tư vào An Giang. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức đoàn khảo sát trang trại bò sữa và vùng trồng nguyên liệu của Tập đoàn TH tại tỉnh Nghệ An. Tập đoàn TH cũng cử đoàn chuyên gia đến khảo sát vùng dự án và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang.

Qua đánh giá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Tập đoàn TH mong muốn đầu tư, thực hiện 2 dự án lớn. Trước tiên là dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung, bao gồm: xây dựng nhà máy chế biến sữa tập trung (diện tích 10ha), xây dựng trang trại bò sữa với quy mô 20.000 con (diện tích 100ha), xây dựng vùng nguyên liệu lõi (1.000ha) và liên kết với các hợp tác xã để tạo vùng nguyên liệu 3.000ha cho tập đoàn. Cùng với triển khai dự án phát triển bò sữa (tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn), Tập đoàn TH sẽ xúc tiến dự án xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu gạo, gồm: đầu tư hệ thống xay xát, nhà máy chiết xuất tinh dầu cám hiện đại và tạo vùng nguyên liệu cho hệ thống nhà máy với diện tích 50.000ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm thì với dự án bò sữa, nông dân có thể trồng 1-2 vụ bắp xen giữa lúa để thu trái non, kết hợp lấy thân bắp làm thức ăn nuôi bò sữa theo hướng liên kết gia công với Tập đoàn TH. “Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, Tập đoàn TH tiếp tục đề xuất dự án mà nếu triển khai tốt, có thể góp phần tạo đột phá cho kinh tế An Giang. Theo đó, tập đoàn đang nghiên cứu, lựa chọn xây dựng cảng nước sâu có thể đón được tàu 3.000-5.000 tấn để xuất hàng nông sản đi thẳng các nước. Sau đó, sẽ tiếp tục nâng cấp để tiếp nhận được tàu 10.000 tấn. Tại cảng sẽ kết hợp xây dựng chợ đầu mối về nông sản, xây dựng khu liên hợp các nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa như: dầu cám, protein từ gạo, củi trấu…” - ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư

Tri Tôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư

Kỳ vọng phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nghiên cứu địa bàn, đề xuất địa điểm đầu tư cho Tập đoàn TH. Trong khi đó, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ lực hỗ trợ, xúc tiến Tập đoàn TH sớm triển khai dự án đầu tư phát triển bò sữa tại huyện Tri Tôn mà tập đoàn đã ký cam kết đầu tư. “Có nhiều tỉnh mời gọi nhưng Tập đoàn TH quyết định chọn An Giang đầu tư các dự án lớn. Tỉnh phải tận dụng tốt cơ hội này, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa tạo động lực thu hút thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến An Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Nhằm tỏ rõ thiện ý đầu tư, mới đây, đại diện Tập đoàn TH đã có buổi làm việc với UBND huyện Tri Tôn. Theo nội dung thống nhất, trước mắt, tập đoàn sẽ thuê lại đất của Công ty TNHH DV TM XNK Hoàng Vĩnh Gia tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) với diện tích 178ha để đầu tư trang trại bò sữa quy mô 20.000 con và xây dựng vùng nguyên liệu. Kinh phí thực hiện dự kiến 4.300 tỷ đồng. Nếu có điều kiện, Tập đoàn TH sẽ tiếp tục thuê thêm khoảng 300ha để mở rộng quy mô. Đại diện tập đoàn đề nghị UBND huyện Tri Tôn hỗ trợ về mặt pháp lý, thủ tục đầu tư và hạ tầng giao thông. Đồng thời, giới thiệu các hộ có diện tích đất canh tác lớn mà sản xuất lúa kém hiệu quả để tập đoàn thuê hoặc hợp tác với bà con nông dân trồng cỏ bán lại cho tập đoàn. Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm mong muốn Tập đoàn TH sớm triển khai dự án, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và mở ra triển vọng mới cho diện mạo kinh tế của huyện miền núi, biên giới, dân tộc, tôn giáo Tri Tôn. “Lãnh đạo huyện sẽ nỗ lực hết mức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Tập đoàn TH yên tâm triển khai dự án tại huyện” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Cùng với Tập đoàn TH, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng quyết định chọn Tri Tôn là vùng đất đầu tư dự án, được Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư hoặc ký cam kết đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng vào dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Tuyến. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc An Giang (thành viên Tập đoàn Tân Long) đang đầu tư nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với quy mô 16ha, vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng tại xã Lương An Trà. Riêng Tập đoàn Tân Long đang triển khai có hiệu quả dự án đầu tư tại đây. Đối với Công ty Cổ phần Dầu khí Nam Sông Hậu, dành nguồn vốn 110 tỷ đồng đầu tư khu phức hợp sản xuất lúa hữu cơ và cụm kho bảo quản với quy mô 65ha… Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Tri Tôn tăng tốc phát triển. 

NGÔ CHUẨN