Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp

16/04/2018 - 14:13

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông diễn ra ngày 16-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế. Dịch vụ logistics là 1 trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng Kinh tế ASEAN hỗ trợ phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp; trong đó, chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các phương thức vận tải chưa đồng bộ, cùng với việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Đây là thách thức của nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua các bộ, ban ngành từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều nỗ lực cải thiện dịch vụ logistics. Đã có những tiến bộ nhất định trong các lĩnh vực, ví dụ như kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cấp đầu tư nhiều. Tuy nhiên, chi phí cho dịch vụ này của nước ta còn quá cao, dẫn đến khó cạnh tranh của nền kinh tế. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

“Vì vậy, chúng ta cần có sự phân tích chi phí nào là lớn nhất, chi phí nào là nhỏ nhất, cần khắc phục những chi phí nào để đưa ra được những giải pháp tốt nhất làm giảm chi phí logistics. Việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể”. 

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả, kịp thời với nền kinh tế về dịch vụ logistics; kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy logistics khắc phục tình trạng hạ tầng chưa đồng bộ, kết nối cảng, nhà ga, sân bay còn nhiều cách trở… 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao. Theo WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. 

Báo cáo liên quan đến chi phí vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nêu lên những tồn tại, hạn chế hiện nay về hạ tầng, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông vận tải và về vận tải. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 2 nhóm giải pháp (tổng thể và cụ thể) để kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông vận tải, giảm chí phí vận tải. 

Mục tiêu được đặt ra là thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%, đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%. Để thực hiện mục tiêu, Bộ đã đưa ra các giải pháp như: đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng vận tải đường sắt, đường thủy, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, tới đây Bộ Giao thông Vận tải sẽ mở rộng đầu tư hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Đồng thời tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, vận tải tuyến ven biển Bắc - Nam, vận chuyển hàng hoá và hành khách từ đất liền ra các đảo xa bờ. Cùng với đó, kết nối tốt đường sắt với các hệ thống đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa. 

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết. 

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, với điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực logistics còn nhiều bất cập, cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt về quy mô, là cản trở các chủ thể kinh doanh gia nhập thị trường. Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị trường điều chỉnh. 

Còn ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đã chỉ ra chi phí logistics Việt Nam cao chính là chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, do đó cần có chiến lược phát triển vận tải container ven bờ biển. Đồng thời nâng cao hiệu quả kết hợp 2 chiều thông qua sàn giao dịch vận tải… cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quá trình vận chuyển, giảm chi phí… 

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ quan trọng cho 2 bộ là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương. Trong đó, 2 bộ cần hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics và phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần xử lý các vấn đề công nghệ, quan hệ quốc tế, các vấn đề phát triển cảng nước sâu, các cảng cạn (ICD), các loại hình giao thông kết nối cũng như tăng cường năng lực vận tải thủy nội địa ven bờ biển, đường sắt...

Theo QUANG TOÀN (Báo Tin Tức)