Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển hạ tầng để nâng cao đời sống nhân dân

28/02/2018 - 16:45

Sáng 28-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp sơ kết về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, Nghị quyết 13 yêu cầu tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm, trong đó tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; và hạ tầng đô thị lớn. Từ năm 2012, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 13, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, sau hơn 5 năm triển khai, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là hạ tầng giao thông. 

Tuy nhiên, phát triển hạ tầng còn nhiều tồn tại. Kết nối hạ tầng chưa phù hợp, có chỗ thừa, có chỗ thiếu. Nguyên nhân quan trọng là chất lượng quy hoạch chưa tốt. Huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ bên ngoài còn rất khó khăn. Do đó, thời gian tới, cần có đánh giá toàn diện việc phát triển 11 kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay như thế nào và cần có biện pháp gì để đạt mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào thể chế, công tác quy hoạch, kế hoạch. Cần cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực; rà soát lại các quy hoạch gắn với tái cấu trúc nền kinh tế. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhất trí cho rằng kết cấu hạ tầng có bước phát triển, đất nước có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại như quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ. Hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện… 

Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 13 của Trung ương đã ra đời được hơn 5 năm. Đây là thời điểm để sơ kết việc triển khai Nghị quyết để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. 

Theo Thủ tướng, dự thảo báo cáo cần nêu rõ các quan điểm mới về phát triển hạ tầng- vấn đề được xem là nút thắt, điểm nghẽn đối với sự phát triển, trong đó nhấn mạnh các cơ chế, thể chế mới mà chúng ta cần phải bổ sung, sửa đổi, làm mới, như theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Luật đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Đặc biệt là việc tìm nguồn lực mới để phát triển đất nước. Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ hơn như yêu cầu xã hội hóa nguồn lực để nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng có lợi. 

Hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội nhưng mục tiêu cuối cùng nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, bên cạnh hạ tầng cứng, yếu tố rất quan trọng nhưng không thể không đề cập đến các hạ tầng như giáo dục, y tế..., Thủ tướng nói. 

Về các hình thức huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng khi quy mô nền kinh tế đã tăng lên trên 5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống còn 61%, cần tính toán các phương án tiếp tục tìm nguồn ODA phù hợp để đầu tư hay các hình thức khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu quốc tế… sao cho nguồn lực phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. 

Thủ tướng yêu cầu, sau lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng báo cáo cụ thể trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị. Theo đó, báo cáo phải sắc nét hơn, rõ hơn về quan điểm. Phần kiến nghị không nêu chung chung, phải sâu hơn, cụ thể, toàn diện hơn và ngắn gọn, súc tích cũng như có danh mục cụ thể các công việc cần triển khai. 

Từ kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này, Thủ tướng sẽ có một quyết định hoặc Chính phủ có một Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13. Tiếp theo, sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai kết luận của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng hoặc của Chính phủ về phát triển hạ tầng. 

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm sao Nghị quyết 13 tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn, để có cuộc cách mạng về hạ tầng, làm tiền đề tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn hạ tầng cho sự phát triển. 

Theo Báo Tin Tức