Thương chiến với Mỹ căng thẳng, Trung Quốc xích lại gần Nga và Ấn Độ

13/06/2019 - 13:35

Trung Quốc kỳ vọng có thể nhận được ủng hộ của Nga và Ấn Độ trong thành lập một sáng kiến thương mại đa phương.

Trong ảnh từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Nhiều báo đài tại Ấn Độ cho biết Thủ tướng Narendra Modi sẽ cùng phối hợp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Kyrgyzstan để bày tỏ quan ngại về phương pháp bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị SCO diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Nhật Bản với mục đích giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tổng thống Mỹ Trump cảnh cáo có thể áp dụng thêm thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc nếu Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối gặp ông tại Nhật Bản.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin nhà lãnh đạo Mỹ còn kêu gọi các đồng minh chung sức kiềm chế Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác bao gồm Nga, Ấn Độ. Chủ tịch Trung Quốc trong tháng 6 đã đến thăm Nga và gọi Tổng thống Putin là “người bạn tốt nhất”. Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại về chính sách bảo hộ của Nhà Trắng. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ nhiều khả năng bày tỏ lập trường này trong hội nghị của SCO.

Ông Zhang Baohui tại Đại học Lingnan ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Hội nghị SCO sẽ là cơ hội để Trung Quốc tăng cường quan hệ với Ấn Độ và đề xuất thỏa thuận thương mại đa phương. Cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc chủ trương cải thiện quan hệ với những quốc gia khác, trong đó có Nga và Ấn Độ”.

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói: “Việc Tổng thống Trump cân nhắc rút Ấn Độ khỏi Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đã gây lo ngại cho New Delhi”. Mỹ cấp cho Ấn Độ ưu đãi thuế quan phổ cập từ 3 thập niên trước.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu hàng đầu của Ấn Độ là duy trì cân bằng kinh tế và chiến lược.

Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)