Tiềm năng phát triển du lịch ở Hòa An

30/11/2018 - 06:46

 - Thời gian gần đây, xã Hòa An (Chợ Mới) đã thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương.

Hệ sinh thái đa dạng

Nép mình bên dòng sông Hậu, xã Hòa An là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Trong đó, cồn An Thạnh (ấp An Thạnh) có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của du khách.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều đoàn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài sau khi đặt chân đến cồn An Thạnh tỏ ra vô cùng thích thú khi được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm đời sống dân dã, chân chất của người dân miệt vườn nơi đây.

Du khách tham quan cồn An Thạnh

Xã Hòa An có hệ thống sông, rạch chằng chịt nối liền nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận tiện. Khí hậu ở đây trong lành, mát mẻ quanh năm với những cánh đồng bạt ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê, những xóm làng dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập… Điều này đã tạo nên cảnh sắc của một vùng quê rộng lớn, thơ mộng.

Ấp An Thạnh có số hộ dân trồng hoa lớn nhất toàn xã. Hiện có 21 hộ canh tác trên diện tích khoảng 2ha, với khoảng 20 chủng loại hoa, kiểng khác nhau. Hoa kiểng nơi đây được trồng quanh năm, nhưng vụ hoa xuân đón Tết là vụ hoa được trồng với diện tích lớn, nhiều loài hoa và cũng là vụ hoa khiến cho người trồng hoa tất bật nhất. Giá trị sản xuất ước đạt 600 triệu đồng/năm.

Theo ông Bùi Văn Hùm (một trong những hộ trồng hoa của địa phương) cho biết, lợi thế của vùng trồng hoa cồn An Thạnh là nằm cặp sông Hậu nên thuận tiện cho khâu chăm sóc và vận chuyển. Hoa chỉ cần đưa sang sông là đến chợ Long Xuyên, vì vậy luôn giữ được vẻ tươi đẹp không thua gì hoa ở các tỉnh lân cận đổ về.

Với đặc điểm sinh thái độc đáo, hấp dẫn, cùng với người dân miệt vườn nhiệt tình, mến khách đã để lại trong ký ức của du khách về một hình ảnh đẹp của du lịch Hòa An. Ngày nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trong xã đã được hoàn thiện góp phần mang lại sự thuận tiện cho khách tham quan.

Đa dạng ngành, nghề

Ngoài được thiên nhiêu ưu đãi, ban tặng nhiều nguồn tài nguyên, người dân địa phương hiện còn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống thông qua các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, nhất là nghề chằm nón. Đây là nghề truyền thống, có từ cách đây trên dưới 100 năm. Trong đó, ấp Bình Thạnh 2 có số hộ tham gia nghề này đông nhất, khoảng 570 hộ.

Bên cạnh đó còn có các ngành, nghề: đan đát, dệt chiếu, làm mộc, làm nhang… đã tạo nên nét phong phú, đa dạng cho hoạt động sản xuất ở địa phương. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở đây mang nét độc đáo, tinh xảo; quan cảnh sản xuất mộc mạc, đơn sơ đã và đang là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch cộng đồng.

Diện tích trồng hoa lớn là tiềm năng phát triển du lịch của xã Hòa An

Theo UBND xã Hòa An, từ đầu năm đến nay, cồn An Thạnh đón tiếp 7 đoàn du khách đến tham quan, với số lượng 126 người, chủ yếu là du khách đến từ Châu Âu. Đến đây du khách được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống thực tế của người dân, chụp ảnh lưu niệm các hộ làm nghề chằm nón lá, đan rổ, dệt chiếu và nghề trồng hoa… từ việc đón khách tham quan đã góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con địa phương.

Ông Châu Minh Lý (cán bộ phụ trách văn hóa xã Hòa An) cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch tuy có phát triển những vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Đến nay, các hộ trồng hoa của ấp An Thạnh vẫn chưa được công nhận làng hoa nên việc phát triển du lịch chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm, chưa khai thác được tiềm năng vốn có.

Để phát triển du lịch, cần có thời gian dài để tìm hiểu, nâng cao kiến thức về phát triển du lịch cho người dân địa phương. Ngoài ra, cần có chính sách để định hướng phát triển du lịch. Đồng thời, có cách thức để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tôn tạo những giá trị hiện có để phát triển du lịch.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN