Tiền Giang: Sáng chế thiết bị rửa sa pô tiện dụng

14/08/2018 - 08:25

Sau gần 1 năm mày mò nghiên cứu, anh Trần Huỳnh Long, chủ Cơ sở cơ khí Long (ấp Tây, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) đã sáng chế thành công thiết bị rửa sa pô rất tiện dụng. Thiết bị này có thể rửa được 100 kg trái sa pô chỉ trong 15 phút.

A A

Anh Trần Huỳnh Long (đứng) và thiết bị rửa sa pô do anh sáng chế.

Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí (chuyên ngành gò, hàn) của Trường Kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), anh về quê mở cơ sở gia công, lắp ráp các mặt hàng cơ khí dân dụng như: Cửa sắt, hàng rào cùng các thiết bị khác theo đặt hàng của khách.

Nhận thấy xã Kim Sơn cùng một số xã giáp ranh như Vĩnh Kim, Phú Phong (huyện Châu Thành) có diện tích canh tác cũng như sản lượng thu hoạch trái sa pô hằng năm rất lớn nhưng công đoạn làm sạch trái (phần vỏ cám) trước khi xuất bán chủ yếu thực hiện bằng thủ công (rửa bằng tay) nên mất nhiều thời gian, công sức.

Liên tưởng đến chiếc máy rửa cà chua đã một lần được xem trên mạng, anh nảy sinh ý tưởng sáng chế ra thiết bị rửa trái sa pô để giúp nhà vườn đỡ vất vả. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải mất gần 5 năm sau, ý tưởng trên của anh mới trở thành hiện thực.

Thiết bị rửa trái sa pô do anh sáng chế có chiều dài 1,8 m, ngang 0,5 m với phần thân gồm 1 máng chứa nước ở phía dưới (thể tích khoảng 120 lít), phía trên là 4 trục chổi quay có tác dụng làm sạch bề mặt vỏ trái (sử dụng chổi vệ sinh nông sản) và nắp đậy hình bán nguyệt.

Thân máy được đặt cố định trên 1 trục có lắp 2 bánh xe (tiện di chuyển trong đường hẹp nhờ xe máy). Phía trước thân máy có lắp một trục răng để điều chỉnh chiều cao của miệng ra trái khi muốn tăng hoặc giảm tốc độ rửa (điều chỉnh miệng ra lên cao thì trái ra chậm và ngược lại).        

Thiết bị được vận hành nhờ 1 mô-tơ công suất 1 HP, thông qua hệ thống puli, dây cu-roa và nhông, xích sẽ kéo 4 trục chổi và mô-tơ bơm nước (sử dụng mô-tơ bơm nước lườn ghe máy) quay. 4 trục chổi khi quay vừa giúp làm sạch, vừa di chuyển trái từ miệng vào cho đến miệng ra (trái không được rớt xuống máng nước); đồng thời, mô-tơ bơm nước sẽ bơm nước lên đường ống (sử dụng ống nhựa Ø21 mm có đục nhiều lỗ nhỏ) được lắp dọc phía trên 4 trục chổi để kết hợp rửa sạch trái.      

Anh Long cho biết, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm khá gian nan và tốn nhiều chi phí. Đặc biệt, khâu tính toán đường kính puli để giảm tốc độ truyền động từ mô-tơ đến các trục chổi quay mất khá nhiều thời gian do phải thử đi, thử lại nhiều lần (tốc độ nhanh quá làm trái bị trầy xước, bầm).

Việc lựa chọn chổi làm sạch với cỡ cước phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi sợi cước nhuyễn, mềm đánh không sạch vỏ cám, còn nếu chọn sợi cước to, cứng dễ làm trầy xước vỏ. Ngoài ra, việc tính toán, phối hợp giữa tốc độ quay của trục chổi và thao tác cho trái vào rửa sao cho trái không bị rụng cuốn cũng là yêu cầu quan trọng và mang tính bắt buộc.

Ông Nguyễn Văn Quốc (ấp Tây, xã Kim Sơn) mua thiết bị rửa sa pô do anh Long sáng chế được khoảng 7 tháng cho biết, thiết bị vận hành rất hiệu quả, có thể rửa được 100 kg trái sa pô chỉ trong 15 phút, trong khi nếu rửa bằng tay phải mất 1,5 giờ (nhưng không bóng, đẹp bằng).

“Nhiều vựa trái cây lớn trong xã đã đầu tư máy rửa sa pô của Cơ sở cơ khí Long để vừa nhận rửa thuê cho nhà vườn, vừa đảm bảo rửa sa pô của vựa kịp thời gian đóng hàng” - ông Quốc cho biết thêm.

Từ khi sáng chế thiết bị đầu tiên, đến nay anh Long đã sản xuất và xuất bán được 30 thiết bị rửa sa pô cho nhà vườn ở trong và ngoài xã, với giá 28 triệu đồng/thiết bị.

“Được sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, hiện tôi đã hoàn chỉnh thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho thiết bị trên tại Cục Sở hữu trí tuệ trong tháng 2-2018” - anh Long phấn khởi cho biết. 

Theo VĂN XĨ - HỒNG YẾN (Báo Ấp Bắc)