Tiền Giang: Tạo diện mạo mới cho đô thị Mỹ Tho

30/10/2018 - 10:08

Mỹ Tho là một đô thị cũ với cả 2 nghĩa, đó là Mỹ Tho đại phố với lịch sử 339 năm và một đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh nhưng hạ tầng, phố xá thì thuộc loại… cổ so với các đô thị mới trong vùng.

A A

Phối cảnh khu thương mại dịch vụ HÀ NGUYỄN

Chính vì vậy mà UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho TP.Mỹ Tho tổ chức quy hoạch, chỉnh trang lại đô thị, giải tỏa những khu nhà lụp xụp ven sông, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, đồng thời với việc hình thành những khu dân cư mới, hiện đại.

Khu dân cư cạnh bờ sông

Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 27-1-2015, UBND TP.Mỹ Tho đã ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư Tây Bắc để triển khai Dự án khu dân cư dọc sông Tiền. Dự án bao gồm các hạng mục như xây dựng khu nhà ở liên kế 221 căn với quy mô 1 trệt 4 lầu và 43 lô nhà biệt thự 1 trệt, 1 lầu, biệt lập. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, bao gồm điện, cấp thoát nước, viễn thông, giao thông nội bộ, vỉa hè, trên tổng diện tích 73.126 m2.

Cũng theo hợp đồng thì nhà đầu tư hoàn thiện phần hạ tầng khu tái định cư rồi bàn giao cho địa phương để bố trí cho dân xây nhà ở, đồng thời thực hiện các công trình phúc lợi công cộng như công viên cây xanh, khu siêu thị, giải khát, bãi đậu xe… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng xây dựng khu nhà hàng, khách sạn quy mô 7 tầng và khu chợ trái cây 1 trệt, 2 lầu, chuyên doanh các loại trái cây đặc sản của vùng. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 527,9 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc chi nhánh Công ty CP đầu tư Tây Bắc tại Tiền Giang, cho biết theo hợp đồng ký kết với UBND TP.Mỹ Tho thì sau một năm kể từ ngày cấp chứng nhận đầu tư 27-3-2015, UBND TP.Mỹ Tho sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để tiến hành xây dựng. Nhưng đến nay việc đền bù giải tỏa vẫn chưa xong, nhà đầu tư chưa nhận được toàn bộ “mặt bằng sạch” theo hợp đồng.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Tiền Giang, từ tháng 3-2017 Công ty CP đầu tư Tây Bắc đã tiến hành khởi công từng hạng mục theo tinh thần “có mặt bằng đến đâu thì triển khai thi công tới đó”. Đến nay đã hoàn chỉnh phần ép cọc và làm móng cho 160 căn nhà liên kế và biệt thự trên tổng số 264 căn. Tổng số vốn doanh nghiệp đã bỏ ra gần 400 tỉ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tư thì hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì theo hợp đồng đầu tư, dự kiến sẽ hoàn chỉnh dự án trong thời gian 48 tháng kể từ sau khi được giao mặt bằng sạch. Nhưng đến nay toàn dự án vẫn còn 22.928 m2 trên tổng diện tích 73.126 m2 chưa được bàn giao.

Phối cảnh mặt tiền khu chợ trái cây HÀ NGUYỄN

Muốn có sự đồng thuận

Theo bà Lê Thị Bé Phượng, Phó chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, trong tổng số 134 hộ bị ảnh hưởng dự án, đến nay còn 15 hộ chưa đồng ý giao đất, trong đó có 5 doanh nghiệp. Vướng mắc chủ yếu là giá đền bù. “Chúng tôi muốn có sự đồng thuận của người dân nên đã tìm cách giải quyết hài hòa quyền lợi giữa dân và nhà nước. Nhưng có khi yêu cầu của dân và nhà nước chưa gặp nhau nên người dân chưa thông cảm với chính quyền. Vì vậy, theo chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi tiếp tục đối thoại, lắng nghe, giải thích và rà soát lại tất cả các trường hợp còn khiếu nại. Nếu những yêu cầu nào chính đáng, có cơ sở thì chúng tôi xem xét giải quyết”, bà Phượng cho biết.

Có ý kiến của người dân không đồng tình vì cho rằng đất của họ ở mặt tiền nhưng lại đền bù theo giá trong hẻm. Về điều này, bà Phượng giải thích: “Dự án khu dân cư được lập và áp giá đền bù giải tỏa trong lúc dự án đường và bờ kè sông Tiền chưa hình thành. Nhưng có những trường hợp người dân khiếu nại nên kéo dài đến bây giờ, khi dự án đường và bờ kè đã làm xong, giá đất đã tăng lên”.

Về bố trí tái định cư, bà Phượng cho biết đã tổ chức bốc thăm và giao đất cho 46 hộ tại 2 địa điểm Khu dân cư dọc sông Tiền và Kinh Xáng Cụt. Theo đó, những trường hợp bị giải tỏa trắng nhà ở và đất ở mà không có nơi ở nào khác thì được giao đất và thu tiền với 2 mức giá: 6.035.000 đồng/m2 và 7.200.000 đồng/m2, tùy theo vị trí. Trường hợp thứ 2 là người dân ở nhà sàn, không có đất ở, thì được bố trí tái định cư ở khu dân cư Kinh Xáng Cụt với mức giá bằng hệ số 1,2 lần so với trường hợp thứ nhất.

Dự án khu dân cư dọc sông Tiền đang xây dựng HÀ NGUYỄN

Không để người dân bị thiệt

Liên quan đến thông tin cho rằng Dự án khu dân cư dọc sông Tiền là không hợp pháp vì chưa được HĐND tỉnh thông qua, ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đây là dự án được triển khai vào nhiệm kỳ trước, UBND tỉnh đã phê duyệt và giao cho TP.Mỹ Tho mời gọi đầu tư. “Thời điểm đó tôi phụ trách dự án này, đã có báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất chọn Công ty CP đầu tư Tây Bắc làm nhà đầu tư triển khai dự án với mục tiêu chỉnh trang lại TP.Mỹ Tho. Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua và có văn bản thống nhất, đúng trình tự và quy định của pháp luật”, ông Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa thì “việc đền bù, giải tỏa, tái định cư TP.Mỹ Tho làm và có báo cáo đầy đủ, bảo đảm không có gì thiếu sót. Nhưng vì còn một số hộ có ý kiến, khiếu nại nên vừa rồi UBND tỉnh có họp cùng với UBND TP.Mỹ Tho để kiểm tra lại xem còn vướng mắc gì? Sau đó chúng tôi giao cho TP.Mỹ Tho tiếp tục vận động và xem xét lại lần cuối, báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết cho dân. Cuối cùng, trong trường hợp bất đắc dĩ mới phải sử dụng biện pháp hành chính”.

“Riêng trường hợp hãng nước mắm Hải Lợi Nguyên yêu cầu hỗ trợ để giải quyết 2.000 tấn cá nguyên liệu, tỉnh đã chỉ đạo TP.Mỹ Tho kiểm tra lại để có phương án giải quyết thích hợp. Còn trường hợp hãng nước mắm Phước Hương yêu cầu giải tỏa hết gần 6.000 m2 đất chúng tôi cũng đã xem xét. Nhưng đây là phần đất nằm ngoài quy hoạch được duyệt nên không thể bồi thường theo nguồn vốn của Dự án khu dân cư dọc sông Tiền”.

Về thời hạn cuối cùng để giao đất cho nhà đầu tư, ông Nghĩa nói: “Dự án kéo dài đã gần 4 năm. Theo cam kết của TP.Mỹ Tho với nhà đầu tư thì đã trễ nhiều rồi. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm từ đây tới cuối năm 2018. Quan điểm của chúng tôi là làm thể nào để người dân và nhà đầu tư có lợi ích hài hòa, không để bên nào bị thiệt”.

Theo Thanh Niên