Tiếng thơ trong đêm trăng xuân

02/03/2018 - 01:00

 - Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) là sự giao hòa tuyệt diệu giữa thiên nhiên và con người. Nói như nhà thơ Lê Thanh My, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT),“những bài thơ, ý nhạc được khai mở vào rằm xuân đầu tiên trong năm mới như một sự tôn vinh, khích lệ những ý tưởng sáng tạo của các nhà thơ, các nhạc sĩ đã và đang chắp cánh cho thơ có nhiều hứng khởi mới”.

Năm 1948, giữa chiến khu Việt Bắc, giữa tâm bão của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, thi sĩ Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ “Nguyên tiêu”, vào đêm rằm tháng Giêng: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (bản dịch của Xuân Thủy).

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ấy tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh: lấp lánh ánh thép và thấm đẫm chất tình, hài hòa giữa con người chiến sĩ và tâm hồn thi sĩ. Năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị lấy ngày ra đời bài thơ làm Ngày thơ Việt Nam. Kể từ đó, 15 mùa Nguyên tiêu trôi qua là ngần ấy năm, giới mộ điệu thơ ca lại đắm mình trong những cung bậc cảm xúc của Ngày thơ.

Trong đêm thơ Nguyên tiêu, nhiều tác phẩm thơ ca của văn nghệ sĩ trong và ngoài địa phương, những sáng tác nổi tiếng vượt thời gian, in sâu vào lòng người… được truyền tải đến công chúng qua giọng ngâm mượt mà, cảm xúc, qua tiếng hát cháy bỏng đam mê của nghệ sĩ. Đêm thơ là dịp để họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm, dấu ấn sáng tác, để được trở về trọn vẹn với đam mê văn chương.

Bỏ qua bộn bề cuộc sống, cơm áo gạo tiền, những so đo tính toán… dưới ánh trăng sáng vằng vặc ngày rằm, chỉ còn tiếng thơ, tiếng lòng vang vọng. Đó là những cảm quan NT đặc thù dường như chỉ có đêm Nguyên tiêu mới đem đến hiệu quả nhất.

“Năm nay, Hội VH-NT huyện Châu Thành, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu. Bên cạnh đó, Phân hội VH (Liên hiệp các Hội VH-NT) phối hợp Bộ Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 33 tổ chức chương trình Nguyên tiêu tại Sư đoàn.

Chương trình sẽ đa dạng hơn, chủ đề rộng hơn so với các năm trước, mang đậm dấu ấn phục vụ đời sống tinh thần cho khán giả những ngày xuân, đồng thời góp phần hòa cùng không khí tuyển quân năm 2018.

Đêm trăng đầu tiên nơi biên giới sẽ là đêm thơ nhạc của tình quân dân, như khúc dạo đầu cho những ngày mới đầy phấn khởi tin yêu. Mọi người sẽ được nghe những bài thơ với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nghe các nhạc sĩ rung cảm cùng với thơ để cất lên tiếng nhạc du dương, trầm bổng. Đó là những nhà thơ, nhạc sĩ, soạn giả của đất An Giang với nhiều thế hệ đã và đang sống hết mình với công việc sáng tác để cho ra đời những tác phẩm NT làm đẹp thêm cuộc sống.

Chúng tôi rất vui mừng khi được phục vụ chương trình Nguyên tiêu cho người lính bảo vệ tuyến đầu phía Tây Nam Tổ quốc, như một sự gửi gắm tình yêu thương và trân trọng” - nhà thơ Lê Thanh My chia sẻ.

Đoàn Giang (Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp An Giang) là một trong những nhạc sĩ, ca sĩ tham dự đêm Nguyên tiêu năm nay với một bài thơ chuyển thể thành nhạc. Anh kể lại, bài thơ “Biết làm sao” (tác giả Lê Thanh My) được anh và nhạc sĩ Phan Khanh viết nhạc trong mấy tiếng đồng hồ, nhìn lại đã gần 3 giờ sáng. Chờ đến sáng, gặp tác giả bài thơ, anh hát cho chị nghe. Điệu boston chậm buồn, gánh từng câu thơ da diết, thể hiện tâm trạng sầu thương của cô gái khi yêu “Biết làm sao em quên, biết làm sao em quên? Quên ánh mắt tình si, bao nhiêu lời hò hẹn. Xin người đừng vội nói, dù là khi chia ly…”.

Sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ đã làm thăng hoa tác phẩm nhau. Trước đêm Nguyên tiêu, anh bày tỏ: “Khi bài hát được công chúng đón nhận, khi biểu diễn phục vụ họ, chúng tôi rất hạnh phúc. Và càng mong muốn truyền tải cảm xúc của cuộc sống, tình yêu đến mọi người, giúp cho họ thêm yêu đời, cảm thấy đời đầy màu sắc, thú vị hơn”.

“Mẹ cõng nắng theo dọc gánh hàng rong/ Ba vác mùa màng mặn mùi rơm rạ/ Bữa cơm chiều khói lam bò ngang mái lá/ Cúm núm kêu, ơi con nước lớn ròng…”. Những câu thơ mộc mạc, nhưng chất đầy ký ức, nhớ thương quê nhà trong bài “Cổ tích đời con” (Trương Kỉnh Nhơn) là một trong những bài thơ được truyền tải trong đêm thơ xuân năm nay.

Tôi xin mượn lời của chính nhà thơ Trương Kỉnh Nhơn để kết thúc bài viết này: “Là người làm thơ, dù ít dù nhiều, trong đêm Nguyên tiêu, nghe thơ của mình được đọc lên là niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng là sự động viên, khích lệ để bản thân tôi có thêm nguồn cảm hứng tiếp tục cho những sáng tác sau này. Xin cảm ơn các nghệ sĩ diễn ngâm trong đêm Nguyên tiêu đã nâng cánh cho những bài thơ được hòa quyện cùng đất trời đang con vương vấn hương xuân!”.

Tiếng thơ trong đêm trăng xuân

Đêm thơ Nguyên tiêu là sự tôn vinh dành cho giới văn nghệ sĩ

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG