Tiếp tục đổi mới “Cà phê doanh nhân”

14/05/2018 - 07:44

 - Bằng cách tổ chức thưa kỳ (2 lần/tháng, thay vì hàng tuần), thay đổi địa điểm thoáng đãng, đưa nội dung, chủ đề cụ thể trong mỗi buổi sinh hoạt, mô hình “Cà phê doanh nhân” đang tạo ra sức hút tốt hơn với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Chỉ trong một buổi sáng trò chuyện, trao đổi cùng nhau, nhiều cơ hội kết nối được tạo ra và không ít vấn đề của DN đã được giải quyết.

Gỡ khó bài toán tín dụng

Có thể hiểu được nguyên nhân vì sao ngày 9-4-2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng ký ban hành Công văn số 374/UBND-KTTH về hỗ trợ DN tiếp cận vay vốn tổ chức tín dụng và ngay sau đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa ký ban hành liên tiếp 2 công văn gởi giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn và các sở, ngành tỉnh để triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh. Vấn đề vốn tín dụng được xem là yếu tố sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN. Nếu vấn đề vốn được khởi thông, sẽ tạo động lực thúc đẩy DN phát triển và ngược lại, khi nguồn vốn bị bế tắc, DN cũng rơi vào khốn đốn.

Đó cũng là lý do tại sao ở lần thứ 2 tổ chức tại địa điểm mới (khu sân vườn nhà hàng Thắng Lợi 1, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), Hiệp hội DN và Hội Doanh nhân trẻ An Giang quyết định chọn chủ đề “kết nối tín dụng” cho buổi “Cà phê Doanh nhân”. Như thường lệ, từ 6 giờ sáng, không gian riêng của “Cà phê Doanh nhân” đã được chuẩn bị. 6 giờ 30 phút, đông đảo doanh nhân đã có mặt, cùng tham dự là Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa và lãnh đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, buổi cà phê trở nên “nóng” với câu chuyện khởi đầu của anh Đinh Minh Tuấn, chủ quán cà phê Hoa Sứ (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên). “Do nhu cầu mở rộng KD, tôi liên hệ với chi nhánh của một NHTM ở quận 4 (TP. Hồ Chí Minh) để vay vốn đầu tư khu cà phê, điểm tâm, GYM & Fitness và khu vui chơi trẻ em. Đây là ngân hàng có quan hệ tín dụng thường xuyên nên sau khi thẩm định hồ sơ, họ hứa sẽ giải ngân sau khi công trình đạt tiến độ 90%. Tuy nhiên, khi xây dựng gần hoàn thành, ngân hàng lại thông báo không chấp nhận cho vay khiến chúng tôi xoay nguồn vốn thay thế rất khó khăn, vất vả” - anh Tuấn chia sẻ.

Nguyên nhân công trình tiền tỷ không được vay vốn lại đến từ lý do hết sức nhỏ nhặt. Số là anh Tuấn một khoản vay tại ngân hàng Eximbank từ 3 năm trước. Hàng tháng, việc thanh toán lãi và gốc được trừ tự động khi tài khoản anh Tuấn có số dư. “Khoản thanh toán đợt cuối là tháng 3-2018 với số tiền chỉ 240.000 đồng. Tôi đã duy trì trong tài khoản số dư lớn hơn nhưng đến hạn ngân hàng không trừ, để hơn 10 ngày sau lại thông báo tôi có nợ quá hạn thuộc nhóm 2 nên không đồng ý cho vay tiếp. Dù sau đó đại diện Eximbank có thư xin lỗi nhưng việc KD của tôi đã bị ảnh hưởng rất lớn” - anh Tuấn bức xúc.

Đồng cảm cùng DN

Qua kiểm tra sơ bộ, ông Lê Trọng Nghĩa khẳng định: “Đây hoàn toàn là lỗi của ngân hàng.Việc khách hàng bị tự động đưa vào danh sách có nợ xấu của hệ thống VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận vay vốn ở các ngân hàng. Anh Tuấn có thể gởi kiến nghị lên NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh yêu cầu gỡ bỏ lịch sử nợ xấu”. Theo ông Nghĩa, việc lưu lịch sử nợ xấu trên VAMC đến 5 năm dù khách hàng đã thanh toán dứt điểm các khoản nợ cũng là bất cập hiện nay. “Ví dụ, khách hàng có nhiều món vay nhưng chỉ cần 1 món chuyển sang nợ xấu nhóm 2 là các khoản vay khác cũng chuyển theo. Có trường hợp khách hàng vay vài tỷ đồng thanh toán đàng hoàng nhưng có khoản vay tín chấp 100 triệu đồng nhưng thanh toán trễ hạn thì cũng ảnh hưởng dây chuyền. Các ngân hàng khác đang cho vay bình thường cũng bị tính vào nợ xấu, phải trích lập dự phòng, không cho mở chi nhánh, cắt lương, thưởng thi đua… Chúng tôi sẽ kiến nghị NHNN Việt Nam và VAMC tháo gỡ bất cập này” - ông Nghĩa thông tin.

Tại buổi buổi “Cà phê doanh nhân”, nhiều bất cập, vướng mắc trong việc tiếp cận vay vốn tín dụng của DN cũng được trao đổi thẳng thắn. “Tôi có khoản vay 800 triệu đồng trong 12 tháng. Do DN nhỏ nên ngân hàng không cho nhận một lần mà giải ngân từng đợt. Khi vay, lãi suất thỏa thuận là 7,7%/năm nhưng ở các lần giải ngân sau, lãi suất tăng lên 8,5%, 8,7% rồi 9,7%/năm. Việc ngân hàng tự ý tăng lãi suất như vậy là có đúng quy định không” - anh Cao Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Ngân Bình thắc mắc. Còn anh Nguyễn Quý Lộc, Giám đốc Công ty Xây dựng Giao thông Quyết Tiến, lại gặp vấn đề khác: “Tôi có khoản vay và thế chấp bằng sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng. Đến khi muốn rút sổ ra để đáo hạn thì ngân hàng buộc phải có 500 triệu đồng thế chấp sổ thì mới cho thực hiện. Ngân hàng vẫn giữ 100% số tiền sổ tiết kiệm của tôi sao lại bắt tôi phải đưa tiền thế chấp?”. Ông Lê Trọng Nghĩa cho rằng, việc ngân hàng tự nâng lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn (12 tháng trở xuống) là không đúng, trong khi việc yêu cầu phải có tiền mặt thế chấp sổ tiết kiệm là quy định cứng nhắc. “DN cần vay vốn và ngân hàng cũng rất có khách hàng vay. Đối với các DN có uy tín, có phương án SX-KD khả thi thì ngân hàng cạnh tranh nhau cho vay. Nếu ngân hàng nào có những quy định cứng nhắc, dịch vụ không tốt sẽ mất khách hàng” - ông Nghĩa khẳng định.

Chỉ trong buổi sáng “Cà phê doanh nhân” ngắn gọn (từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ), nhiều DN đã kết nối được với các NHTM, trong khi ngân hàng cũng tìm kiếm thêm được khách hành tiềm năng. Đó là hiệu quả dễ thấy khi đổi mới “Cà phê doanh nhân”.

Theo cách tổ chức mới, mô hình “Cà phê doanh nhân” sẽ diễn ra vào tuần thứ nhất và tuần thứ 3 hàng tháng tại khu sân vườn nhà hàng Thắng Lợi 1. Mỗi buổi cà phê sẽ có một chủ đề khác nhau được thảo luận.

 

NGÔ CHUẨN