Tiếp tục đối phó với dịch tả heo Châu Phi

30/05/2019 - 07:49

 - Chỉ trong thời gian ngắn, dịch tả heo Châu Phi đã lây lan với tốc độ chóng mặt tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Dù bệnh không lây trực tiếp trên người, nhưng việc dịch bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người dân.Tính đến chiều 27-5, TP. Long Xuyên đã công bố 1 ổ dịch và tiêu hủy 63 con heo trên địa bàn phường Mỹ Thạnh; tiêu hủy bằng cách chôn lấp 1 con heo chết (phát hiện ngày 24-5 trên địa bàn phường Bình Khánh).

Tiêu hủy đàn heo của hộ chăn nuôi Nguyễn Xuân Trường

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP. Long Xuyên (gọi tắt BCĐ thành phố) cho biết, vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 27-5, UBND phường Mỹ Thạnh phát hiện tại hộ chăn nuôi heo của ông Nguyễn Xuân Trường (63/7B khóm Hưng Thạnh) có dấu hiệu bệnh và báo cáo về Thường trực BCĐ thành phố. Qua xác minh, kiểm tra lâm sàng, đàn heo gồm 36 con có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, nghi ngờ bệnh dịch tả heo Châu Phi. Nguyên nhân được xác định do trại nuôi heo của hộ ông Trường có vị trí cách vùng ổ dịch (phát hiện ngày 24-5) trong phạm vi 1km. Đến 22 giờ ngày 27-5, hoàn tất việc tiêu hủy 36 con heo nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi, bằng biện pháp chôn lấp ngay theo đúng quy trình xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, duy trì chốt chặn ở 2 đầu ổ dịch; tăng cường thêm 1 chốt chặn, tiêu độc khử trùng.

TP. Long Xuyên hiện có 413 hộ chăn nuôi heo, với tổng số 11.652 con. Trong vùng có dịch (phạm vi 1km), có 9 hộ chăn nuôi với 213 con. Trong vùng uy hiếp (phạm vi 3km), có 90 hộ chăn nuôi, với 2.032 con. UBND các phường, xã phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày đối với ổ dịch, hộ nuôi, heo nuôi vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm.Đồng thời, phối hợp các Tổ công tác liên ngành thành phố theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến heo có biểu hiện bệnh, heo chết; vận chuyển, giết mổ và mua bán heo, sản phẩm heo theo từng vùng để phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Đặc biệt, tiếp tục duy trì công tác kiểm soát tại 5 chốt chặn kiểm dịch. Chốt tại khu vực phà Vàm Cống, phân công thành viên chốt kiểm dịch động vật tạm thời trực chốt 24/24 giờ, đảm bảo đủ số lượng và thành phần; thực hiện tốt nhiệm vụ về việc phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển, kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch động vật - sản phẩm động vật, kiểm tra lâm sàng đối với động vật. Chốt kiểm dịch đường thủy được đặt tại Phòng Cảnh sát đường thủy, thực hiện kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên sông Hậu hướng từ TP. Cần Thơ và Đồng Tháp vào địa bàn tỉnh An Giang và ngược lại. Chốt tại khu vực ổ dịch (khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh), bố trí lực lượng 24/24 giờ chốt chặn 2 đầu khu vực ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển; tăng cường thêm 1 chốt chặn, tiêu độc khử trùng.

“BCĐ sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố cho chủ trương tạm ứng ngân sách để thực hiện công tác ứng phó khẩn cấp dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra trên địa bàn. Các Tổ công tác liên ngành thành phố, 10 phường, xã có hộ nuôi heo và 3 phường còn lại tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ứng phó khẩn cấp trong trạng thái địa phương có dịch bệnh; ứng phó, tiêu hủy kịp thời số heo có biểu hiện mắc bệnh hoặc heo chết trong vùng dịch, vùng uy hiếp. UBND các phường, xã tiếp tục mua sắm vật tư, dụng cụ và trang thiết bị bảo hộ theo chủ trương cho phép của UBND thành phố để chủ động trong công tác tiêu hủy bằng biện pháp chôn lắp khi có yêu cầu. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, tuyên truyền phổ biến các giải pháp phòng, chống, ứng phó khẩn cấp trong trạng thái có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn” - Phó trưởng BCĐ thành phố, Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Xuyên Nguyễn Trí Quang       thông tin.

Dịch tả heo Châu Phi dù không lây truyền sang người, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng virus gây bệnh tồn tại trong môi trường tự nhiên rất lâu, lây lan nhanh, mạnh, gây thiệt hại kinh tế lớn. Hiện nay, 43 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xảy ra dịch, hơn 1,8 triệu con heo bị tiêu hủy. Các tỉnh lân cận An Giang đều xảy ra dịch, nên nguy cơ lan truyền dịch bệnh trở ngược lại An Giang rất cao. Một trong những nguyên nhân khiến dịch có thể bùng phát và lây lan trên diện rộng là do người dân giấu dịch; không kịp thời thông tin tình trạng dịch bệnh cho các ngành chức năng mà thường có tâm lý bán chạy, bán tháo đàn heo của mình. Tình trạng lây lan từ heo bệnh sang heo lành vì vậy cũng sẽ cao.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp khuyến cáo: “Bà con chăn nuôi heo và địa phương cần thực hiện triệt để “5 không”(không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt). Khoảng 65% nguyên nhân gây bệnh là do sử dụng thức ăn thừa của người. Do đó, các hộ chăn nuôi heo cần phải lưu ý xử lý nhiệt các thức ăn này trước khi cho heo ăn. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát hiện nay, bà con nên tạm ngưng sử dụng loại thức ăn này. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh tiêu độc, sát trùng, giám sát chặt chẽ đàn heo để phòng, tránh dịch bệnh lây lan”.

Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 5 của nghị định quy định: hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi đối với các hộ chăn nuôi heo phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh, trong đó có dịch tả heo Châu Phi.

Box:Bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ gây bệnh trên heo, không lây truyền sang người. Người dân không nên hoang mangdẫn đến việc tẩy chay thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo. Mọi người vẫn có thể sử dụng thịt heo ở ngoài vùng dịch.Khi sử dụng các sản phẩm của heo, chỉ cần đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, phải nấu chín.

 

GIA KHÁNH