Tiếp tục hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể

03/06/2019 - 08:03

 - Với mục tiêu phát triển 1.000 tổ hợp tác, xây dựng hợp tác xã và Câu lạc bộ Doanh nhân nông thôn năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa mô hình kinh tế tập thể đến gần hơn với nông dân. Tuy nhiên, việc này cần có sự đồng lòng, hỗ trợ của các cấp, các ngành cũng như những chuyển biến về mặt tư duy của nông dân mới thực sự là “cú hích” cho mô hình kinh tế tập thể thời hội nhập.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã không ngừng vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Theo đó, Hội Nông dân các địa phương đã hỗ trợ thành lập mới 47 tổ hợp tác, nâng số tổ hợp tác toàn tỉnh lên 768 tổ (hơn 15.300 thành viên), với diện tích sản xuất 71.585ha. Các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, tận dụng tốt nguồn lực đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động hiện có tại địa phương, tạo tiền đề cho cách làm ăn mới, nâng cao đời sống nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm giúp thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, để có điều kiện phát triển sản xuất. Theo đó, quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho 27 tổ hợp tác vay vốn cùng ngành nghề sản xuất, với tổng số tiền hơn 11,7 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân các huyện đã giải ngân cho 644 hộ vay phát triển sản xuất, với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng. Việc cho vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và đảm bảo tính khả thi của từng mô hình.

Nông dân cần thay đổi tư duy về cách làm ăn tập thể

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Châu Văn Ly đánh giá: “Với những kết quả mang lại, có thể khẳng định các tổ hợp tác, hợp tác xã tuy có quy mô nhỏ, công tác tổ chức quản lý và điều hành còn giản đơn, bó hẹp trong phạm vi nhất định, nhưng sự hợp tác trong các thành viên rất linh hoạt, gọn nhẹ. Hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã thật sự giúp các hộ thành viên một phần về nhu cầu vốn, kỹ thuật, chứng tỏ được tính hợp lý của việc phát triển mô hình làm ăn tập thể trong thời hội nhập”. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó, hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã đều có vốn đầu tư thấp với số lượng thành viên ít, việc thu hút thành viên mới còn khó khăn. Ngoài ra, các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa phát huy được sức mạnh của tập thể để tạo thế cạnh tranh, còn bị động đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Ban Giám đốc hợp tác xã, ban quản lý tổ hợp tác thiếu thông tin về thị trường, chưa gắn kết với doanh nghiệp một cách hiệu quả. Mặt khác, tỉnh chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư, hỗ trợ nông dân xây dựng “Cánh đồng lớn”, gắn kết cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. “Phần lớn các tổ hợp tác, hợp tác xã chỉ thực hiện dịch vụ tưới tiêu, mà chưa thể đa dạng hóa hoạt động của mình nhằm tăng nguồn thu. Ngoài ra, việc chưa có phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư cho xã viên đã dẫn đến khâu tổ chức dịch vụ còn yếu. Quá trình thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp của tổ hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế nên khó giải quyết đầu ra cho thành viên và nông dân trong vùng. Những vấn đề đó đã hạn chế sự phát triển của kinh tế tập thể, chưa thu hút nông dân cùng đứng vào một tổ chức để làm ăn theo quy mô lớn” - ông Châu Văn Ly phân tích.

Trước những khó khăn các tổ hợp tác, hợp tác xã đang đối mặt, Hội Nông dân tỉnh đã kiến nghị Hội Nông dân Việt Nam tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, cũng như ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, cần điều chỉnh mức vốn góp tối đa của thành viên cao hơn quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, nhằm giúp hợp tác xã tăng nguồn vốn hoạt động. “Chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh có quyết định chọn mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 tổ hợp tác mạnh xây dựng thí điểm lên hợp tác xã. Trong đó chú trọng xây dựng hợp tác xã gắn với lợi thế vùng hoặc định hướng quy hoạch vùng của tỉnh, nhằm đưa mô hình kinh tế hợp tác phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, để nông dân An Giang thành công với cách làm ăn tập thể thời hội nhập” - ông Châu Văn Ly khẳng định.

THANH TIẾN