Tiêu thụ tiền giả, ở tù thật

27/03/2018 - 05:56

 - Trưa 26-9-2017, ông Huỳnh Văn Nghi (ngụ xã Tân Tuyến, Tri Tôn, An Giang) trình báo Công an xã về việc 1 kẻ lạ mặt có hành vi lưu hành tiền giả tại tiệm tạp hóa của ông. Kẻ lạ mặt ấy được xác định là Trịnh Minh Tân (sinh năm 1964, ngụ thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới). Trước khi bị phát hiện, ông ta đã tiêu thụ trót lọt hàng chục triệu đồng tiền giả.

Quá trình phạm tội được Tân khai nhận chi tiết, liên quan đến người vợ hờ và người bạn đồng hương. Theo đó, tháng 7-2016, Trịnh Minh Tân xin vào làm bảo vệ cho 1 công ty dịch vụ bảo vệ ở Long An, được phân công nhiệm vụ tại xã Cần Đước. Sau đó, ông ta sinh sống như vợ chồng với Võ Thị Th. (sinh năm 1971, cùng quê), thuê nhà trọ ở thị trấn Bến Lức.

Đầu năm 2017, trên đường đi trực, Tân gặp Võ Văn Thanh - một người bạn ở quê. Người bạn cũ ngồi trên xe ôtô 7 chỗ, dáng vẻ sang trọng nhưng vẫn “nhiệt tình” vào quán nước ven đường hàn huyên cùng Tân.

Nghe Tân than thở cuộc sống vất vả, túng thiếu, Thanh bày tỏ cảm thông, rồi “chỉ cách” giúp bạn cũ đổi đời. Móc trong ví ra 1 tờ tiền loại polymer mệnh giá 50.000 đồng, Thanh đưa Tân xem thử. Tân cầm tiền nhìn kỹ, thấy màu đỏ hơn, mỏng hơn, không sắc sảo như tiền thật. Biết đó là tiền giả, Tân trả lại cho Thanh.

Trịnh Minh Tân trong phiên xét xử sơ thẩm

Trong ít phút ngắn ngủi, họ đã kịp thỏa thuận mua, bán tiền giả với nhau. Tân mua thiếu 50 tờ tiền giả mệnh giá 50.000 đồng (tương đương 2,5 triệu đồng), giá 1 triệu đồng tiền thật. Thanh đưa số điện thoại cho Tân và căn dặn: “Khi nào tiêu thụ hết thì gọi tôi, tôi bán thêm. Nhưng từ lần sau, giá cả là 50-50, tức 25.000 tiền thật đổi 50.000 đồng tiền giả”.

Lần đầu “ra trận”, Tân tiêu thụ trót lọt bằng cách mua card điện thoại các loại trên đường đi làm; ghé chợ mua rau, cá... Chỉ duy nhất 1 lần ông ta bị người bán hàng phát hiện tiền giả, nên thanh minh “nhầm lẫn”, rồi lấy tiền thật ra đổi lại. Số card điện thoại có được, ông ta tự bán hoặc đưa vợ hờ bán lại chủ nhà trọ, chủ tiệm tạp hóa.

Tính tới tính lui, ông ta thu trọn 2,5 triệu đồng, gồm: tiền thật và hàng hóa có giá trị tương đương. Sau đó, ông ta hẹn gặp Thanh, trả 1 triệu đồng tiền thiếu, giữ lại 1,5 triệu đồng “lợi nhuận”. Thanh hỏi “mua nữa không”, Tân lắc đầu, sợ bị bắt.

Mấy tháng sau, ông ta tự ý nghỉ việc ở công ty, cùng Th. chuyển về sinh sống tại xã Long Điền B (Chợ Mới). Không nghề nghiệp, việc làm, ông ta càng khó khăn hơn. Tình cờ, đầu tháng 7-2017, ông ta gặp lại Thanh. Nghe Thanh câu móc tiêu thụ tiền giả tiếp tục, Tân nửa muốn, nửa không. Nửa muốn vì đang trong cảnh túng quẫn, nửa không vì sợ bị ở tù. Thấy vậy, Thanh đưa tờ tiền giả 50.000 đồng cho Tân “xài thử”. Tân dùng tiền mua card điện thoại nhưng không phát sinh chuyện gì.

Ngày 6-7-2017, ông ta “mạnh dạn” mua của Thanh 88 tờ tiền giả (tức 4,4 triệu đồng), giá 2,2 triệu đồng tiền thật, giao nhận tại quán cà phê M. ở thị trấn Mỹ Luông. Một mình Tân trực tiếp chạy xe Honda đi các tỉnh tiêu thụ số tiền giả trên. Xong xuôi, ông ta trả tiền cho Thanh, còn lại 2,2 triệu đồng bỏ túi. Các lần tiêu thụ sau đó đều trót lọt (trừ vài lần bị chủ tiệm phát hiện, phải trả tiền thật), khiến Tân không còn lo lắng như ban đầu.

Trong 9 tháng, Tân đã 6 lần mua tiền giả (loại polymer mệnh giá 50.000 đồng) của Võ Văn Thanh, cùng với một lần được cho tiền giả “xài thử”, tổng cộng gần 26 triệu đồng. Ông ta tiêu thụ trót lọt 24,6 triệu đồng, địa bàn hoạt động trải dài từ: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ và An Giang.

Phạm tội xong, ông ta thu lợi bất chính 14,5 triệu đồng (gồm tiền thật và hàng hóa mua được có giá trị tương đương). Các đợt mua bán, tiêu thụ này, Tân “cẩn thận” ghi chép lại để theo dõi, cuối cùng trở thành chứng cứ phạm tội không thể chối cãi trước pháp luật.

Cơ quan An ninh Điều tra (Công an An Giang) tiến hành xác minh, ghi lời khai 25 người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đối tượng Võ Văn Thanh (theo lời khai của Tân) được xác định sinh năm 1974, nhưng không xác định được tung tích. Thanh đã từng bị bắt, xử phạt tù 3 lần, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Còn bà Th. lại khẳng định “không biết, không tham gia phạm tội cùng Tân”, kể cả khi cho “đôi vợ chồng” đối chất cùng nhau. Chỉ có lời khai của Tân liên quan đến 2 đối tượng Thanh, Th., nên chưa đủ căn cứ xác định hành vi, vai trò, mức độ liên quan của họ trong vụ án này.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, truy tìm, điều tra đối với họ, khi có đủ căn cứ sẽ tiến hành xử lý sau. Riêng Tân bị Tòa án nhân dân tỉnh kết án 6 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”.

Hôm xét xử, chỉ có 10 người bị hại yêu cầu Tân bồi thường, tổng số tiền 500.000 đồng. Tuy nhiên, ông ta cúi mặt, trả lời rằng mình không có tiền, chưa thể bồi thường cho họ. Sự xấu hổ, hối hận và ray rứt thể hiện rõ qua từng cử chỉ, nét mặt và lời khai của ông ta.

Ở tuổi ngũ tuần, thay vì được vui vầy cùng con cháu, gia đình, ông ta lại phải ngồi tù, trả giá cho lòng tham. Tất cả cũng do ông không thể cưỡng lại sức cám dỗ của đồng tiền bất chính!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG