Tìm giải pháp đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện

20/11/2018 - 06:52

 - “Từ bỏ giảm học; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng; đến đào tạo nghề, khởi nghiệp và giải quyết việc làm” là chủ đề buổi hội thảo xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhằm đề xuất những giải pháp căn bản, hiệu quả để xây dựng xã hội học tập.

Không chỉ tiếp bước học sinh nghèo học giỏi mà cũng cần quan tâm hỗ trợ học sinh yếu, kém

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lê Minh Tùng khẳng định, mục tiêu của hội thảo là phân tích, đánh giá tình trạng bỏ học, hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, kinh nghiệm liên quan đến các giải pháp huy động học sinh trong độ tuổi đến trường; đào tạo nghề, khởi nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh An Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, tự tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề.

Qua khảo sát tình trạng học sinh bỏ học, công tác phân luồng, hướng nghiệp tại huyện Chợ Mới và Tịnh Biên, ông Tùng nhận thấy có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ở 3 cấp học. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác huy động học sinh trong Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục hàng năm được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Các đơn vị trường học có kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Quan tâm sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động học sinh đến trường vẫn còn thấp ở bậc THPT; tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THCS có giảm nhưng chưa ổn định. Khảo sát cho thấy, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng  trên do học lực yếu kém và điều kiện gia đình (nghèo, khó khăn đột xuất...).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 69.288 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó có 53.113 học sinh vào học THPT (76,66%); 2.303 học sinh vào học giáo dục thường xuyên (3,32%); số học sinh vào trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là 2.970 em (4,29%); còn 10.902 học sinh đi theo luồng khác (15,73%).

Nhận định về những bất cập khi thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lý Thanh Tú nhìn nhận, công tác tuyên truyền, tư vấn về phân luồng chưa được sâu sắc, nhiều phụ huynh và học sinh còn mơ hồ về công tác phân luồng nên ít quan tâm. Vì mục đích đề án phân luồng học sinh THCS không nhằm mục đích giảm cơ hội vào THPT, mà là làm tăng thêm cơ hội cho học sinh, tạo ra nhiều lựa chọn trên con đường học tập, phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh.

Một trong những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh chưa đạt hiệu quả cao là công tác phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THCS, THPT trong việc tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu ngành, nghề đào tạo. Vì thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân và học sinh để họ thấy rằng “cánh cửa vào đời” luôn rất rộng mở, và không nhất thiết phải là “cánh cửa đại học” là nhiệm vụ rất quan trọng.

Nói về công tác hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề đào tạo hiện có, ThS Trần Mỹ Hạnh (giáo viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang) cho rằng, cần phải đào tạo gắn với nhu cầu học tập của học sinh. Qua khảo sát, đánh giá, cô Hạnh khẳng định, xu hướng những ngành, nghề doanh nghiệp cần tuyển dụng đến năm 2020 là: công nghệ ôtô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp...

Tiêu biểu cho những giải pháp phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả mà nhà trường thực hiện nhiều năm nay là phối hợp cùng Huyện đoàn Phú Tân tổ chức chương trình “Một ngày làm công nhân” cho học sinh THCS và THPT. Tại chương trình, học sinh sẽ được nhà trường giới thiệu tổng quan các ngành nghề hiện đang đào tạo ở trường. Sau đó, các em sẽ được chia nhiều nhóm, đích thân trải nghiệm những ngành, nghề ấy để có cái nhìn tích cực trong lực chọn ngành, nghề phù hợp điều kiện gia đình và năng lực bản thân.

“Cần đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp, xã hội, không đào tạo theo những gì mình có”, đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, đây là động thái tích cực để tìm ra những giải pháp căn cơ giải quyết bài toán về bỏ học và phân luồng; đào tạo nghề, khởi nghiệp và giải quyết việc làm.

Ông Bình nhấn mạnh, sau hội thảo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào nghề rõ ràng khả thi, khả dụng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn với thị trường lao động...

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích