Tìm giải pháp khi giá nông sản thấp, giá vật tư cao

17/06/2019 - 07:47

 - Giá nông sản thấp, giá vật tư cao khiến nông dân có một mùa vụ kém vui. Bà con đang rất lo lắng trước khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ của vụ lúa hè thu, giá lúa sẽ còn bao nhiêu, trong khi chi phí sản xuất cho mỗi kg lúa vụ này thấp nhất là 3.200 đồng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký biên bản hợp tác với Tập đoàn IMM Group Việt Nam

Đầu ra gặp khó

Nguyên nhân của vấn đề là do từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp (DN) trong nước đang gặp khó về đầu ra. Sản lượng, giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2017 và 2018. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, gạo của các DN Việt Nam chỉ xuất sang nước này bằng đường chính ngạch, thay vì trước đây xuất nhiều thông qua đường tiểu ngạch. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của thế giới chậm lại so với những năm trước đây, các quốc gia phát triển quay lại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, hướng đến bảo hộ nền sản xuất trong nước. Chính vì vậy, nông sản của nông dân phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với nông sản của các quốc gia nhập khẩu thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Gia đình ông Đỗ Đức Tùng (nông dân sản xuất giỏi phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) sản xuất trên 5 công ruộng. Vụ hè thu năm nay, trên diện tích đất của mình, ông Tùng đã gieo sạ giống lúa IR 50404. Do là vụ hè thu nên năng suất lúa của ruộng ông chỉ đạt 538kg/công. Đầu tháng 5 vừa qua, ông đã thu hoạch và bán với giá 4.100 đồng/kg (lúa tươi), sau khi hạch toán chi phí sản xuất, ông lãi 800.000 đồng/công, trong khi thời gian chăm sóc phải đến 3 tháng. “Ngoài đầu ra gặp khó, một nguyên nhân khác làm cho nông dân lời ít hoặc không có lời là do giá vật tư luôn ở mức cao. Năm 2017, giá 1 bao phân urea  là 390.000 đồng/bao (50kg) thì đến năm 2018, chúng tôi phải mua 400.000 đồng và bước vào vụ đông xuân và hè thu năm 2019, giá 1 bao phân urea cũng ở mức đó, trong khi giá lúa ở vụ hè thu 2018 là 5.600 đồng, còn giá lúa vụ hè thu 2019 là 4.100 đồng. Giá vật tư không giảm, trong khi giá lúa hàng hóa giảm, hạch toán sản xuất, nông dân luôn bị thua lỗ” - ông Tùng phân tích.

Tháo gỡ

Để giải quyết khó khăn về đầu ra khi thị trường gặp khó, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tìm cách liên kết với các DN chuyên xuất khẩu gạo bằng hình thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhờ đó số nông dân này an tâm trong sản xuất, dù thị trường có nhiều biến động. Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật của Công ty TNHH Agimex Kitoku là một thí dụ. “Những nông dân có hợp đồng bao tiêu ở vụ hè thu với công ty không phải lo lắng về đầu ra, vì khi ký kết hợp đồng, chúng ta đã biết lãi bao nhiêu. Vấn đề còn lại là giữ ruộng lúa của mình ít bị sâu rầy, hạn chế đổ ngã, vụ đó chắc chắn có lãi. Tùy vào kỹ thuật canh tác mà lãi nhiều hay ít, trong khi những nông dân bên ngoài sản xuất theo phong trào, khi lúa rớt giá ở mức thấp thì sản phẩm rất khó bán hoặc bán với mức thấp, lợi nhuận gần như không có” - ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Mỹ Hòa) khẳng định.

Giá nông sản thấp, giá vật tư cao khiến nông dân trên địa bàn tỉnh có một mùa vụ kém vui, vì trong vụ này ngoài phân bón, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng ở mức cao. Cụ thể, đối với sản phẩm Kinalux, thuốc chuyên điều trị nhện gié, trong vụ hè thu năm 2017, giá chỉ có 65.000 đồng/chai (480cc) thì vụ hè thu 2019, giá lên đến 95.000 đồng/chai. Ruộng bị nhện gié thì năng suất sẽ giảm mạnh, vì vậy, để phòng trừ loại nhện này, mỗi vụ sản xuất nông dân phải xịt 2 lần, từ đó chi phí sẽ đội lên.

Để góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra cho nông dân, mới đây, tại hội nghị gặp gỡ doanh nhân kiều bào năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn IMM Group Việt Nam về việc hỗ trợ mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là biên bản hợp tác rất có ý nghĩa, vì trong bối cảnh hiện nay, việc tìm đầu ra cho nông sản là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị để góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra, nông dân các địa phương cần mạnh dạn hơn trong việc tham gia vào mô hình hợp tác xã kiểu mới, đây là bước đột phá để đưa nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân ổn định.

“Giá nông sản thấp, giá vật tư cao đã khiến cho nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng lo lắng, bởi tình trạng này nếu cứu lặp đi, lặp lại sẽ làm cho người nông dân ngày càng nghèo đi, họ sẽ “ly nông rồi dẫn đến ly hương”- ông Trần Anh Tài (nông dân xã Tân An, TX. Tân Châu) phân tích.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN