Tìm hướng đi cho nghề truyền thống

01/08/2019 - 07:33

 - Không chỉ là hàng hóa có giá trị sử dụng, các sản phẩm được làm từ các làng nghề truyền thống còn mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương. Hiện nay, việc hỗ trợ làng nghề không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đa dạng ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa trong xu thế hội nhập.

Đứng lên từ gian khó

Làng nghề làm lò đất truyền thống ở huyện Phú Tân tồn tại từ rất lâu đời, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Thọ. Thời gian qua, huyện Phú Tân đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ dân làng nghề làm lò đất có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, bà con làng nghề đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài các sản phẩm lò đất truyền thống, mới đây, ông Lê Văn Tích (xã Phú Thọ, Phú Tân) đã bỏ ra trên 100 triệu đồng đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm cải tiến nâng cao chất lượng các sản phẩm từ chất liệu đất nung như: nồi, chum đất. Trước đây, các khâu làm nồi, làm khuôn bánh khọt, làm ấm đều được làm bằng thủ công nên phụ thuộc rất nhiều từ bàn tay của người thợ nặn, tốn nhiều thời gian mà số lượng các sản phẩm làm ra cũng hạn chế. “Có máy móc thấy tiện lợi hơn hẳn, số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 10 lần so với cách làm thủ công trước đây. Đó là chưa kể đến chất lượng mẫu mã của các sản phẩm đồng đều, không bị hư hao, thất thoát. Đây là hiệu quả đem lại rõ ràng nhất, giúp tiết kiệm thời gian sản xuất, số lượng sản phẩm làm ra được đảm bảo nhanh, đều, đảm bảo tiến độ giao cho thương lái” - ông Tích bộc bạch.

Bà con làm lò đất ở Phú Tân tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường

Ngày nay, sản phẩm lò đất và các sản phẩm làm từ đất nung của làng nghề không chỉ phục vụ nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình, mà còn trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ được nhiều nhà hàng, quán ăn lớn trưng bày, trang trí nhằm tái hiện không gian, nếp sống xưa để phát triển du lịch và được nhiều du khách ưa chuộng. Nhờ vậy, các sản phẩm của làng nghề truyền thống chẳng những không bị mai một, mà các sản phẩm của làng nghề nhờ đó được chú ý nhiều hơn, được quan tâm cải tiến mẫu mã, tạo nên sự phong phú và đa dạng sản phẩm, số lượng tiêu thụ tăng lên đáng kể. Có thể nói, với sự tiếp sức của chính quyền địa phương và sự nỗ lực, quyết tâm của bà con làng nghề làm lò đất nói riêng và nhiều ngành nghề truyền thống của huyện Phú Tân nói chung đang góp phần quan trọng trong việc vực dậy các làng nghề truyền thống.

Không quên đào tạo nguồn nhân lực

Chỉ tính riêng huyện Chợ Mới đã có hơn chục làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống như: mộc, đan đát… thu hút đông đảo lực lượng lao động địa phương tham gia sản xuất. Tuy nhiên, một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra được mẫu mã sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một trong những nguyên nhân khác được nhắc đến nhiều nhất là do ngành nghề truyền thống chưa thật sự hấp dẫn về thu nhập, lao động chuyển dịch qua các ngành nghề khác cũng như rời khỏi địa phương.

Thu hút lao động trẻ tham gia vào nghề truyền thống

Chính vì thế, phải có chính sách thu hút được lao động, đặc biệt là những người trẻ đến với nghề truyền thống, đây là giải pháp tối ưu hiện nay. Theo thầy Ngô Hữu Lễ (Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật - Công nghệ An Giang), thời gian qua, trường đã và đang xin chủ trương đầu tư đề án nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc ở trình độ trung cấp. Đây là nghề trọng điểm cấp quốc gia, đã triển khai xong giai đoạn I và tiếp tục đầu tư cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020). Bên cạnh đó, nhà trường còn tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ với các ngành nghề thế mạnh địa phương ở các làng nghề truyền thống như: nghề mộc gia dụng (Tấn Mỹ, Mỹ Luông, Chợ Thủ, Long Điền B, Long Giang); nghề đan đát (Long Giang, Mỹ An), nghề chầm nón (Hội An, Hòa Bình)… Ngoài ra, trường còn kết hợp các địa phương như: Long Điền A, Long Điền B, Long Giang... mở các lớp đào tạo nghề cho gần 400 học viên là người dân ở địa phương. “Hiệu quả rõ nhất là giúp người học nghề tăng thu nhập, 100% người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định”- ông Hồng Thanh Lập (đại diện làng nghề mộc gia dụng xã Long Giang, Chợ Mới) chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN