Tìm hướng phát triển Tứ giác Long Xuyên

05/03/2018 - 10:08

Việc sớm triển khai đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên" sẽ giúp quản lý thống nhất, hiệu quả; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của toàn vùng và từng địa phương

A A

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Phó Ban Thường trực đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX)", cuối tuần qua cho biết đến nay, đề án chung của vùng đã được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, các thành viên trong ban sẽ tiến hành xây dựng đề án chi tiết.

Các mối liên kết chính

Theo ông Lâm Quang Thi, hiện tiểu vùng này có tổng diện tích tự nhiên khoảng 498.141 ha, trong đó An Giang có 245.084 ha, Kiên Giang 238.057 ha, Cần Thơ 15.000 ha và phần còn lại thuộc tỉnh Hậu Giang. Địa hình vùng TGLX tương đối thấp và khá bằng phẳng, là hướng thoát lũ ra biển Tây của ĐBSCL. Mùa lũ hằng năm (từ tháng 7 đến tháng 12), vùng này bị ngập với độ sâu 0,5-2,5 m. Mùa khô, vùng này thường bị hạn và nước mặn thâm nhập.

Định hướng chung của đề án được xác định là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng vùng TGLX (nhất là giao thông và thủy lợi); bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước, quy hoạch vùng sản xuất; kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản "Nâng cao sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)" của ĐBSCL, phản hồi chính sách cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế liên quan đến "an ninh nguồn nước ĐBSCL" trong tổng thể BĐKH và phát triển các đập ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Theo đó, sản phẩm lúa gạo và công nghệ chế biến lúa gạo vẫn tiếp tục là ngành hàng chủ lực của tiểu vùng TGLX. Bên cạnh đó, thủy sản cũng là một ngành hàng còn rất nhiều tiềm năng phát triển của vùng. Do đó, cần sự liên kết giữa các địa phương nhằm có định hướng phát triển, tận dụng lợi thế của từng nơi. Trong đó, tập trung vào các nội dung: quy hoạch thích ứng với BĐKH, xác định quy mô, thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý của các địa phương trong vùng; xây dựng các cụm liên kết trên cơ sở xác định phạm vi, địa điểm, quy mô để xây dựng cụm liên kết ngành lúa gạo và chế biến thủy sản gắn kết với các vùng chuyên canh; liên kết chuỗi giá trị chính và cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp (DN) đầu tàu với DN vừa và nhỏ, HTX, tổ nhóm nông dân, trang trại.

Giải pháp cuối cùng là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công như đầu tư thủy lợi, kho chứa, dịch vụ đi kèm trong lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Nông dân bán lúa vẫn còn lệ thuộc vào thương lái do chưa thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm Ảnh: Thốt Nốt

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Về BĐKH, tiểu vùng TGLX cần tiếp tục giải quyết 3 vấn đề chung là "thoát lũ, nguồn nước tưới và ngăn mặn" với định hướng phát triển thượng nguồn để trữ nước và điều tiết lũ thông qua biển Tây.

Việc liên kết tiểu vùng cần lưu ý phối hợp trong quy hoạch và xây dựng hạ tầng, chuyển lúa vụ 3 sang các cây trồng khác, kết hợp lúa 2 vụ với đa dạng hóa thủy sản và các loại rau củ (mô hình lúa - tôm càng xanh/cá, cây ngắn ngày, lúa - sen...) ở vùng thượng du; tăng khả năng trữ lũ và nước cho khu vực hạ lưu; phòng lũ khu vực nông thôn dọc theo các khu vực chậm lũ; quy hoạch và xây dựng các kênh tiêu thoát phân lũ cho các khu đô thị và vùng giữa của đồng bằng.

Các giải pháp còn lại là thiết lập hệ thống thông tin tiểu vùng về những vấn đề liên quan đến quy hoạch, hợp tác đầu tư, cơ chế chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chương trình, dự án liên kết, thị trường đầu vào, đầu ra đối với các sản phẩm chủ lực, thông tin về tài nguyên (đặc biệt là nguồn nước), môi trường, BĐKH.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế huy động nguồn lực với sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa nguồn lực của khu vực công và tư, giữa DN và người dân. Việc sử dụng nguồn lực cần tập trung vào các công trình, công đoạn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ công trọng yếu để thúc đẩy liên kết vùng, đồng thời cần xem xét đề xuất một số chính sách đặc thù của riêng tiểu vùng để thúc đẩy liên kết này.

Ngoài các liên kết trọng yếu đã được xác định và đồng thuận, vẫn cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động của các địa phương, DN và người dân trong các hoạt động vi mô để bảo đảm hiệu quả.

Dựa trên 3 trụ cột

ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cố vấn chuyên môn của ban điều hành đề án - thông tin: "Đề án đang trong giai đoạn xây dựng tầm nhìn chiến lược và chờ Chính phủ phê duyệt. Nếu Chính phủ đồng ý thì tiếp tục xây dựng đề án chi tiết".

Theo ông Thiện, cách làm liên kết vùng TGLX có khác so với những đề án liên kết trước đây là định hướng lâu dài và dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường chứ không phải chỉ làm duy nhất về kinh tế. "Thông thường, nói tới liên kết vùng, người ta nghĩ ngay đến việc đầu tiên là liên kết sản phẩm. Thế nhưng, đề án này đưa ra định hướng làm kinh tế trong 20 năm tới sẽ như thế nào. Chẳng hạn, kinh tế thịnh vượng, môi trường trong lành, sông ngòi sạch sẽ, xã hội bình đẳng, không còn di dân…" - ông Thiện dẫn chứng.

Liên kết vùng TGLX sẽ có nhiều lợi ích cho các tỉnh, thành tham gia. Thứ nhất là lợi ích cộng lực. Có những vấn đề bản thân một địa phương không giải quyết được. Thứ hai, sẽ giải quyết được vấn đề xảy ra ở cấp vùng. Thứ ba, xây dựng thương hiệu chung với nhau sẽ tạo được sự tin tưởng lớn trên thị trường, có đủ sức mạnh xâm nhập thị trường thế giới.

Theo ông Thiện, nếu nhìn toàn diện, đề án trên vừa giải quyết được vấn đề kinh tế - môi trường - xã hội cùng lúc, đồng thời vừa tuân thủ nguyên tắc mà Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề ra: thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, chuyển từ tăng gia sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp chất lượng cao thay vì chú trọng số lượng, sản xuất thật nhiều thứ nhưng không biết thị trường cần không. 

Sớm bổ sung quy hoạch sản phẩm chủ lực

TS Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng kiêm Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất vùng với hơn 1,4 triệu ha. Trong đó, việc các tỉnh trong vùng tăng diện tích đất sản xuất vụ 3 đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các nhà khoa học. Chính hệ thống đê bao bảo vệ lúa vụ 3 đã làm thay đổi dòng chảy lũ, hạn chế lấy phù sa và công tác điều tiết nước của các tỉnh.

Các tỉnh cũng chưa xây dựng được giống lúa chủ lực mang tính đặc trưng của từng tiểu vùng sinh thái của địa phương, của vùng (các tỉnh gần như giống nhau). Tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong vùng cũng đang gặp nhiều khó khăn do các HTX, trang trại và DN nông nghiệp tăng chậm.

Do đó, các giải pháp cần sớm thực hiện trong thời gian tới là rà soát, bổ sung quy hoạch sản phẩm chủ lực của các tỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của vùng ĐBSCL, tổ chức lại sản xuất theo hướng DN hỗ trợ nông dân tăng quy mô sản xuất.

Cùng với đó là phát triển thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, nhất là các sản phẩm xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng cho từng sản phẩm. Các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc sử dụng giống tốt, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, tưới tiêu và chú trọng khuyến khích đầu tư phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đào tạo nghề cho nông dân, lao động kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Các giải pháp còn lại là đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông và điện một cách đồng bộ đối với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Tăng cường các biện pháp trữ nước trên các tuyến kênh rạch và đồng ruộng với hệ thống tưới tiêu hết sức tiết kiệm.

Theo THỐT NỐT - CA LINH (Người lao động)