Tịnh Biên phát huy thế mạnh, tiềm năng

17/02/2018 - 01:37

 - Năm 2018, huyện Tịnh Biên sẽ tập trung mọi nguồn lực phát huy thế mạnh về du lịch và kinh tế biên giới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống chính trị địa phương tích cực phấn đấu cho một đô thị mới Tịnh Biên trong tương lai.

Kinh tế - xã hội khởi sắc

Năm 2017 là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)của huyện Tịnh Biên. Thực hiện Nghị quyết Huyện ủy, HĐND huyện, toàn bộ hệ thống chính trị địa phương đã hoàn thành 16 chỉ tiêu, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa của huyện hơn 3.432 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 82 tỷ đồng (đạt 112,6%); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 14,75/14 giường, đạt 105,3%…

Để có được kết quả trên, Huyện ủy, UBND huyện đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, đôn đốc các ban, ngành đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu KT-XH trên cơ sở phát huy thế mạnh tiềm năng và tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực.

Với điều kiện của huyện miền núi, Tịnh Biên đang cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển những loại cây trồng đặc thù, những mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

“Với một huyện vùng cao như Tịnh Biên, vấn đề then chốt là xác định được phương thức sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên. Chúng tôi đã yêu cầu ngành chuyên môn nghiên cứu, áp dụng 61 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu cho hiệu quả tích cực.

Song song đó, huyện đã tập trung thực hiện các công trình thủy lợi vùng cao như: trạm bơm 3-2, hồ Ô Tưk Sa, trạm bơm bọng Định Nghĩa… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân”- Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân cho biết.

Dù là huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng Tịnh Biên đã thực hiện khá tốt hoạt động kêu gọi đầu tư. Với 7 dự án đầu tư trên địa bàn và tổng mức đầu tư khoảng 302 tỷ đồng, Tịnh Biên là đơn vị đứng thứ 2 của tỉnh về số lượng dự án kêu gọi đầu tư và đứng đầu về tổng mức đầu tư trong năm 2017.

“Trong 7 dự án trên, có 5 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án đang lập thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sao Mai đang triển khai thực hiện các dự án: khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, điện năng lượng mặt trời và mô hình trồng khoai mì tại xã An Cư, Văn Giáo…

Huyện ủy, UBND huyện xác định hoạt động đầu tư sẽ là “cú hích” để đưa Tịnh Biên phát triển trong tương lai. Do đó, chúng tôi luôn thực hiện chính sách kêu gọi đầu tư thông thoáng, cởi mở trên tinh thần hợp tác với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Thành Quân khẳng định.

Cùng với hoạt động kêu gọi đầu tư, Tịnh Biên cũng nỗ lực phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu. Năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu của huyện đạt hơn 95,4 triệu USD. UBND huyện đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư 20 dự án, với kinh phí gần 88 tỷ đồng và xã hội hóa 28 công trình (tổng giá trị hơn 3,1 tỷ đồng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương biên mậu.

Năm 2017, UBND huyện đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên thu hút khoảng 180.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, với doanh số 16 tỷ đồng…

Phát huy tiềm năng du lịch

Với phong cảnh non nước hữu tình và thiên nhiên hùng vĩ, Tịnh Biên đang thực hiện nhiều công trình, dự án phát triển du lịch (DL) tâm linh, DL sinh thái và nghỉ dưỡng.

“Thời gian qua, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để phát triển DL tại những địa điểm nổi tiếng của huyện như: núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… Mục tiêu của địa phương là phải biến “ngành công nghiệp không khói” thành thế mạnh đặc thù nhằm tạo động lực cho việc phát triển KT-XH tương lai.

Xuất phát từ tiềm năng sẵn có, Tịnh Biên đang tăng cường hợp tác, gắn kết với các địa phương lân cận nhằm đa dạng hóa sản phẩm DL, hướng đến việc xây dựng thương hiệu DL địa phương, đặc biệt là Khu DL núi Cấm” - ông Nguyễn Thành Quân phân tích.

Với vị trí địa lý đặc thù, Tịnh Biên đang là điểm đến quan trọng trong hoạt động liên kết vùng. Huyện đang tập trung phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh. Năm 2017, Tịnh Biên đã thu hút hơn 3,7 triệu lượt khách, với doanh số gần 330 tỷ đồng. Cùng với việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, Tịnh Biên đã vận dụng mọi nguồn lực nhằm cải tạo, nâng cấp các điểm DL nổi tiếng của địa phương.

Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đang thực hiện công trình đường đi bộ quanh bờ và gia cố mái ta-luy hồ Thủy Liêm trên núi Cấm, với kinh phí đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh. Khi hoàn thành, công trình sẽ làm tăng vẻ mỹ quan nhằm thu hút du khách đến với núi Cấm.

“Mục tiêu của địa phương là phải đào tạo nhân lực đủ trình độ làm DL. Đây là việc làm cần thiết, có tác dụng lâu dài trong việc tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí sẽ đóng vai trò then chốt để tăng nguồn thu từ hoạt động DL và giữ chân du khách” - ông Nguyễn Thành Quân cho hay.

Huyện Tịnh Biên đang trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cấp lên thị xã vào cuối năm 2018. “Huyện ủy, UBND huyện xác định việc nâng cấp lên thị xã có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là bước đột phá để thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng đô thị vùng biên phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân. Khi TX. Tịnh Biên được hình thành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biên giới và DL, kết nối các khu chức năng của Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên và Khu du lịch núi Cấm, đồng thời gắn kết với chuỗi phát triển của vùng”- Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân nhận định

 

THANH TIẾN