Tịnh Biên tiếp bước truyền thống anh hùng

27/08/2019 - 17:36

Hình ảnh từng đoàn xe du lịch chở khách từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận nối tiếp nhau trên Tỉnh lộ 948 vào các khu du lịch: rừng tràm Trà Sư, lâm viên núi Cấm… đã không còn xa lạ. Mới đây, sự xuất hiện của Nhà máy điện mặt trời tại xã An Hảo (giai đoạn I, có công suất phát điện 104MW, trải dài trên diện tích 120ha) đã mang lại ấn tượng, vẽ nên sự thay đổi lớn về tín hiệu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Tịnh Biên.

Người dân địa phương phấn khởi cho rằng, lâu nay, họ nghĩ đơn giản nhà máy quang năng chỉ cung cấp điện cho EVN, góp phần giải tỏa “cơn khát thiếu điện” cho hàng trăm ngàn hộ dân vùng biên giới. Nhưng giờ đây, họ càng ngạc nhiên hơn khi “cánh đồng pin điện mặt trời” lại bỗng dưng trở thành mô hình thu hút du khách, điểm dừng chân lý tưởng, phục vụ “check-in” chuyên nghiệp cho du khách nội địa và cả Campuchia bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Cánh đồng pin điện mặt trời Sao Mai Solar PV1- mô hình du lịch độc đáo thu hút du khách

Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết: “Mỗi năm, Tịnh Biên đón hàng triệu lượt người đến tham quan, nghỉ dưỡng. Giờ có thêm nhà máy điện mặt trời ở dưới chân núi Cấm càng tạo nên tính cách độc đáo cho vùng bán sơn địa. Hiện nay, huyện khẩn trương thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 948, vốn được xem là “mạch máu” giao thông chủ yếu của địa phương để du khách tham quan các khu du lịch thuận tiện hơn”.

Tiềm năng Tịnh Biên đang được bứt phá 

Với phong cảnh non nước hữu tình cùng những huyền thoại linh thiêng vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên đang sở hữu tiềm năng lớn về du lịch. Mặt khác, nơi đây còn có trên 2.400 giờ nắng/năm - rất thích hợp để đầu tư nhà máy điện mặt trời nên đã có một số doanh nghiệp để mắt đến. Nhà máy điện mặt trời An Hảo có công suất lớn nhất so với các dự án cùng ngành ở An Giang đã vận hành thương mại thành công từ giữa tháng 6 vừa qua. Theo chia sẻ của chủ đầu tư, công trình này đạt tiến độ thần tốc, chỉ hơn 4 tháng triển khai nhờ có sự đồng thuận rất lớn của lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền địa phương cùng người dân trong khu vực.

Giai đoạn II, diện tích sẽ cần đến gần 160ha đất để triển khai hoàn thiện phần còn lại. Vì vậy, nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào sự quan tâm của cả hệ thống chính trị huyện Tịnh Biên vào cuộc khẩn trương hơn nữa để dự án đạt được tiến độ trong thời gian sớm nhất. Khi ấy, “thành phố điện mặt trời” có tổng công suất phát điện 210MW, trải rộng trên 275ha sẽ là đô thị “văn minh” nơi vùng Thất Sơn chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt và sản xuất. Mặt khác, đây còn là sự kết hợp độc đáo giữa điện mặt trời và nông nghiệp sạch, tạo nên mô hình du lịch trải nghiệm lạ mắt cho du khách, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của toàn bộ vùng Bảy Núi. 

Năm 2018, Tịnh Biên đón hơn 3,2 triệu lượt khách đến tham quan với doanh thu trên 329 tỷ đồng, tăng gần 6,4% so cùng kỳ, trong đó có 16.350 khách nước ngoài. Năm 2019 này, lượng người đến Tịnh Biên kỳ vọng sẽ đạt gấp đôi khi có sự xuất hiện của các công trình lan tỏa sức hút mãnh liệt. 

Đến Tịnh Biên, không thể không ghé Trà Sư - rừng tràm đẹp nhất Việt Nam. Danh hiệu này đang được xác lập cho khu rừng đặc dụng ngập nước vô cùng độc đáo ở Nam Bộ. Trong diện tích khoảng 160/860ha của khu rừng đã được một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực, với tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư một cách bài bản - chuyên nghiệp. Chuỗi hạng mục: bến đưa đón khách, nhà hàng ẩm thực món ăn dân gian, hệ thống lâu đài bồ câu cùng nhiều dự án qui mô khác đã làm thay đổi một hình ảnh “Thiên đường xanh” rất tươi mới và chứa đựng sức trỗi dậy mạnh mẽ qua từng ngày. Những tháng đầu năm nay, Trà Sư đã đón gần 150.000 lượt du khách đam mê khám phá, tận hưởng không gian xanh bát ngát thanh bình của khu bảo tồn sinh quyển động-thực vật đặc biệt đến thưởng ngoạn.

Du khách rất thích thú với diện mạo mới rừng tràm Trà Sư

“Chúng tôi mong muốn rằng, những ai khi đến với Tịnh Biên sẽ ở lại lâu hơn và có nơi để vui chơi, giải trí, chứ không đơn giản chỉ cúng viếng chùa chiền hay ăn vài món đặc sản rồi rời khỏi Tịnh Biên”- ông Nguyễn Thành Huân khẳng định.

Định hướng phát triển của Tịnh Biên càng được nâng đỡ vững chắc từ môi trường đầu tư ngày một khởi sắc của tỉnh. Liên tiếp nhiều năm qua, An Giang đã có sự cải thiện đáng kể về chỉ số năng lực cạnh tranh, luôn nằm trong top những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Riêng huyện Tịnh Biên đang có sự bứt phá khá ngoạn mục để sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn ngày càng nhiều hơn, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị, dịch vụ của địa phương mà còn tác động trực tiếp đến thị trường địa ốc. Bởi đơn giản, thị trường có tiềm năng thì các đại gia trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại… mới xuất hiện.

“Tịnh Biên đang hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm các làng nghề. Trong đó “cánh đồng pin năng lượng mặt trời”, rừng tràm Trà Sư sẽ là “lõi” trong việc phát triển kinh tế mũi nhọn của vùng đất này”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định. 

VIỄN THÔNG