Tình đồng chí cao cả của Bác Hồ - Bác Tôn

20/08/2018 - 08:44

 - Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng là 2 tên tuổi lớn gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Bác Hồ và Bác Tôn là tấm gương tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc, biểu tượng trong sáng, cao đẹp của tình đồng chí gắn bó, thủy chung. Trong cuộc sống hôm nay, hình ảnh Bác Hồ và Bác Tôn là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng... để mỗi thế hệ người dân Việt Nam noi theo.

Hai con người vĩ đại được sinh ra khi đất nước chìm trong ách thống trị thực dân Pháp. Tuy sinh ra ở 2 quê hương khác nhau nhưng 2 người có cùng chí hướng và nhiều nét tương đồng. Bác Tôn đến Sài Gòn khi 18 tuổi và từ đây gắn bó với một giai cấp hoàn toàn mới ở Việt Nam, giai cấp công nhân.

Rời quê hương Nghệ An vào Huế, tháng 6-1911 từ Sài Gòn, Bác Hồ xin làm công trên một tàu buôn của Pháp với mong muốn sang phương Tây tìm hiểu cuộc sống của họ để về giúp đồng bào mình. Bác Hồ và Bác Tôn gặp nhau ở tư tưởng lớn: lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hy sinh để giải phóng dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than.

Bác Hồ gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn. Ảnh: tư liệu 

Qua các cứ liệu lịch sử cho thấy, tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn đã hình thành từ lâu, khi 2 người còn chưa gặp nhau. Tháng 3-1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng điều động ra Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà Bác Tôn hằng ngưỡng mộ từ năm 1919 trên đất Pháp và những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo… Còn Bác Hồ, nghe danh người công nhân Tôn Đức Thắng đã tổ chức Công hội bí mật từ năm 1920.

Theo nhiều tài liệu ghi lại: Năm 1926 tại Trung Quốc, khi cử đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Trần Trọng Bình về Sài Gòn gây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lý Thụy (bí danh của Bác Hồ) căn dặn: “Đến Sài Gòn, phải tìm cách liên lạc được với anh Tôn Đức Thắng”.

Bác Hồ quý trọng Bác Tôn bao nhiêu thì Bác Tôn càng kính yêu và quý trọng Bác Hồ bấy nhiêu. Ở bất cứ đâu, trong bất cứ cuộc gặp mặt nào với cán bộ và Nhân dân, Bác Tôn đều căn dặn phải hết lòng hết sức thực hiện những lời dạy của Bác Hồ.

Những lần tiếp khách, đặc biệt là tiếp đại biểu Nam Bộ hay các cháu nhi đồng từ miền Nam ra thăm, Bác Hồ đều mời Bác Tôn cùng dự. Sau khi Bác Hồ qua đời, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch nước. Khi đó, Bác Tôn xúc động phát biểu: “Được kế tục chức vụ của Hồ Chủ tịch là điều rất vinh quang đối với tôi!”.

Ngày 19-8-1958, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao vàng, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi. Trong buổi lễ trao tặng Huân chương cho Bác Tôn, Bác Hồ xúc động nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng 70 tuổi nhưng rất trẻ, đối với Đảng, đồng chí là 28 tuổi; đối với nước Việt Nam độc lập, đồng chí là 13 tuổi… Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân...”.

Bác Tôn xúc động đáp lời: “Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc và yên vui của toàn thể nhân loại”.

HỮU HUYNH