Tôi đi “R”

02/02/2018 - 01:15

 - Một ngày giữa tháng 1, tôi có dịp đặt chân đến Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Đây là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được gọi theo mật danh “R” .

Muốn đến được “R”, chúng tôi phải vượt 60km từ trung tâm TP. Tây Ninh, bỏ lại những cánh rừng cao su thẳng tắp sau lưng, trong khi 2 bên cửa sổ xe chỉ còn là khoảng không gian đặc quánh của rừng nhiệt đới, dây leo chằng chịt. “R” đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, gồm 3 khu chức năng. Trong đó, khu di tích gồm có công trình phục hồi nhà ở và làm việc của các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, hội trường, hệ thống giao thông hào, hầm chữ A, đường nội bộ. Khu tôn tạo bao gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, tưởng niệm, bãi đậu xe, hoa kiểng. Phần diện tích còn lại là khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của di tích. Trước khi đi tham quan khu di tích, chúng tôi được xem sa bàn diễn biến chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân Mỹ vào căn cứ từ ngày 22-2 đến 15-4-1967. Sa bàn được thiết kế rất sống động, với tiếng đạn pháo đì đùng, khói bay ngút trời, lửa cháy sáng cả một vùng quê; hành trình tập kích, khóa chặt biên giới Bắc Tây Ninh bằng xe tăng, trực thăng của Mỹ và cách thức bẻ gãy, phản công, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân. Trong 10 phút, sa bàn đã tóm lược lại toàn bộ diễn biến cuộc chiến một cách đầy đủ, dễ hiểu mà vẫn toát lên không khí ác liệt của cuộc chiến, sự chủ động về chiến thuật của quân ta.

Sau đó, đoàn chúng tôi được đưa vào rừng. Theo lời anh hướng dẫn viên, tất cả vị trí, nhà làm việc của các đồng chí trước đây được phục chế lại đúng như trước, chỉ thay thế về chất liệu bê-tông. Hệ thống nhà ở và phòng làm việc trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay ngày xưa đều làm bằng gỗ. Các hầm trú ẩn thường làm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất. Điều thú vị là mái nhà được lợp bằng lá trung quân. Đây là loại lá được lấy từ rừng sâu, chọn bẻ từng lá già, buộc dây rừng thành lọn đem về. Sau đó, chặt tre thành que dài 1m-1,2m, lấy từng lá trung quân gấp lại, dùng que xiên ngang. Khi dùng lửa đốt, lá sẽ cháy nhưng lửa tắt thì lá vẫn nguyên vẹn, chẳng hư hao gì. Do vậy, tất cả các cơ quan, ban, ngành trực thuộc Trung ương Cục đều được lợp bằng lá trung quân. Khí hậu trong rừng, độ ẩm cao là thế, nhưng mỗi mái nhà sử dụng gần 3 mùa mưa mới cần thay lá. Nếu ở nhiệt độ thích hợp, mái nhà có thể sử dụng đến 5 năm.

Điều thú vị nhất đoàn chúng tôi được biết là cách thức bảo mật của căn cứ. Thì ra, nơi chúng tôi bắt đầu chạy xe len lỏi vào đường rừng cách khu căn cứ 8km, cũng là vị trí đặt trạm bảo vệ đầu tiên. Muốn về “R” hội họp, công tác, bất kỳ ai cũng phải qua trạm bảo vệ ấy. Khi khai báo thông tin xong, mỗi đồng chí đều được che mặt lại. Trạm thứ nhất đưa đồng chí vào trạm thứ 2, trạm thứ 2 kiểm tra giấy tờ xong lại đưa vào trạm thứ 3. Người ở trạm thứ nhất và trạm thứ 3 không thể biết mặt nhau. Qua rất nhiều trạm bảo vệ như thế mới đến được Nhà thường trực. Tại đây, có người ghi chép, theo dõi lần nữa, rồi đồng chí đó mới được vào hội trường lớn. Ngồi họp cạnh nhau, nhưng không ai biết mặt ai, vì rèm che mặt phủ kín, chỉ chừa đôi mắt. Họ nhận biết nhau bằng giọng nói, mật khẩu, khẩu hiệu đã được quy ước. Hội họp xong, từng đồng chí trở ra Nhà thường trực, được ghi chép sổ theo dõi và đưa dần ra ngoài. Theo lời kể của đồng chí Tô Bửu Giám, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực của Trung ương Cục miền Nam, quá trình công tác ở đây, bản thân ông phải hạn chế đi lại. Tất cả các cuộc họp đều diễn ra ở hội trường, dù lớn hay nhỏ. Thành phần dự họp phải mời đích danh. Những ai không được mời, dù cấp bậc, chức vụ lớn thế nào cũng không được vào, kể cả người của Chính phủ cách mạng lâm thời.

Từng căn nhà của các vị lãnh đạo chất chứa rất nhiều câu chuyện vui, buồn, gian khổ lẫn vinh quang của cuộc chiến. Sau căn nhà của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, có một hố bom to. Ông tận dụng để nuôi cá, cải thiện nguồn thức ăn. Nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt do tự tay ông thiết kế, phía trước có hiên nhô ra và lối vào nhà có bậc tam cấp 2 bên, treo nhiều giò hoa phong lan do ông sưu tầm được trong rừng. Mỗi vị lãnh đạo đều có bác sĩ, bảo vệ, thư ký riêng. Họ cất nhà cách đó 20m để vừa tầm quan sát, luôn tự giác nhấc chân đi theo khi lãnh đạo ra khỏi nhà. Bên cạnh giường nằm luôn có hầm chữ A trổ ra hệ thống giao thông hào của căn cứ…

Rời “R” khi trời đã về trưa, cái nắng quanh quẩn trên đầu, chen qua từng kẽ lá của khu rừng, chạm vào vai chúng tôi. Trải nghiệm này khiến chúng tôi hiểu sâu sắc một điều: Thực tiễn sinh động của cuộc kháng chiến đã chứng minh quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục miền Nam đã để lại bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, bài học xây dựng Đảng chặt chẽ về tổ chức, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng, là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước kia cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Tôi đi “R”

Căn nhà của đồng chí Nguyễn Văn Linh

Tôi đi “R”

Hướng dẫn viên giới thiệu lá trung quân

KHÁNH HƯNG