Tôn vinh hàng Việt uy tín

04/12/2018 - 08:39

 - Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 (diễn ra từ ngày 13 đến 17-12 tại TP. Châu Đốc) là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt uy tín, chất lượng cùng các hoạt động vui chơi, giải trí dịp cuối năm. Đây còn là thời điểm thích hợp đánh giá kết quả 5 năm chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn”. Qua đó, tìm giải pháp đột phá mới cho những chương trình đã gắn liền với thương hiệu của Siêu thị Tứ Sơn.

Lan tỏa hàng Việt

Dự kiến vào lúc 17 giờ 30 phút chiều 13-12-2018, Sở Công thương sẽ phối hợp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) tổ chức khai mạc Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018. Đây được xem là một trong những hoạt động kết nối, tôn vinh hàng Việt lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn An Giang khi thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia. “Chúng tôi đã lên ý tưởng cho lễ hội này từ hơn nửa năm và bắt tay vào thực hiện khoảng 3 - 4 tháng nay. Đối với doanh nghiệp tham gia gian hàng, điều kiện đòi hỏi khắt khe. Mong muốn của chúng tôi là doanh nghiệp bán hàng được và sau lễ hội vẫn tồn tại được ở An Giang. Cứ ngỡ tiêu chuẩn khó, doanh nghiệp sẽ ngại tham gia nhưng không ngờ số lượng đăng ký rất lớn. Cách đây khoảng 10 ngày, chúng tôi đã phải ngưng tiếp nhận doanh nghiệp đăng ký mới. Điều đó cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về việc cung ứng hàng hóa uy tín, chất lượng đã chuyển biến tích cực” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn thông tin.

Siêu thị Tứ Sơn đang sẵn sàng cho Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018

Ông Sơn cho biết, mục đích chính của Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” nhằm nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn”. “Đây là những chương trình do Vụ Thị trường trong nước phối hợp Sở Công thương và Siêu thị Tứ Sơn sát cánh thực hiện. Đối với chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, ban đầu chỉ có hơn 20 doanh nghiệp tham gia nhưng đến năm 2018, có hơn 200 doanh nghiệp đồng hành. Chương trình có tác động vừa rộng, vừa sâu đến nhận thức của người tiêu dùng về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam uy tín, chất lượng. Trong khi đó, chương trình “Kết nối giao thương” đã trải dài từ Nam ra Bắc. Đó là hoạt động rất vất vả nhưng vui và tự hào. Chương trình đi đến tỉnh, thành phố nào cũng được Sở Công thương nơi đó trân trọng, mong muốn quay trở lại lần nữa. Thông qua kết nối, hàng hóa của 16 tỉnh, thành phố đã tìm được chỗ đứng ổn định ở thị trường An Giang. Ngược lại, hàng hóa An Giang cũng đến được các địa phương khác. Thông qua Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018, chúng tôi muốn tổng kết, đánh giá những điểm nổi bật, chỉnh chu của 2 chương trình này. Từ đó, tìm giải pháp đột phá, cách làm mới cho giai đoạn 2019-2020, không để rập khuôn theo cách cũ” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn nhấn mạnh.

Sôi động, hấp dẫn

Ông Sơn cho rằng, chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn” đã góp phần tạo ra lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho Siêu thị Tứ Sơn. “Hàng hóa tốt nhưng không giới thiệu cho người tiêu dùng biết thì cũng vô nghĩa. Tôi nhớ có 2 vợ, chồng ở TP. Hồ Chí Minh xuống TP. Châu Đốc chơi. Khi ghé vào Siêu thị Tứ Sơn, ông, bà đã mua sản phẩm từ cây xạ đen về sử dụng, thấy hiệu quả nên mỗi tháng cứ đặt mua 5-10 bịch, nhờ siêu thị gửi xe lên TP. Hồ Chí Minh bởi trên đó không có bán. Có những khách hàng ngoài Bắc ghé siêu thị, gặp sản phẩm nấm mèo Gia Lai, giảo cổ lam thì rất mừng, đặt hàng thường xuyên. Đó là minh chứng cho sự lan tỏa hàng hóa các vùng, miền đến người tiêu dùng” - ông Sơn khẳng định.

Để tái hiện lại thành tựu của chương trình “Kết nối giao thương”, tại Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018, Ban Tổ chức dành hẳn không gian tái hiện mô hình đặc sắc của 16 tỉnh, thành phố khẳng định được chỗ đứng ở thị trường An Giang. “Các mô hình được thiết kế nổi bật để khách hàng có thể nhận diện. Khi chụp ảnh lưu niệm, hiệu ứng không gian 3D sẽ tạo cho bức ảnh giống như chụp ở những địa phương đó. Ngoài ra, khách hàng còn có thể chụp ảnh, check in ở con đường dù, cung đường tình yêu…” - ông Sơn thông tin.

Đây là lần đầu tiên, một lễ hội hàng Việt quy mô lớn được tổ chức trong khuôn viên rộng rãi của Siêu thị Tứ Sơn (đối diện khu trưng bày, mua sắm hàng hóa của Siêu thị Tứ Sơn hiện hữu). Cùng với hàng hóa phong phú, đa dạng của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 còn tạo sân chơi vui nhộn cho khách tham quan. “Chúng tôi phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức các trò chơi dân gian có thưởng, gameshow trổ tài đoán giá, thi hát karaoke dành cho khách tham quan, trò chơi khéo tay (phục vụ thiếu nhi). Đối với ẩm thực, sẽ phục vụ những món ăn dân dã, truyền thống của An Giang. Trên 40 đơn vị tham gia chế biến sản phẩm tại chỗ cho khách hàng trải nghiệm và dùng thử. Tại lễ hội còn những gian hàng của phong trào thanh niên khởi nghiệp, truy xuất nguồn gốc thịt heo…” - ông Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN