Trả lời phản ánh của ông Trần Văn Dũng

25/01/2021 - 06:18

 - Ông Trần Văn Dũng (ngụ ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) gửi đơn phản ánh đến báo An Giang, đề nghị được nhận thành quả lao động trên đất đang do 27 hộ dân và Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn sử dụng.

Theo ông Dũng tường trình, từ năm 1956, ông Phan Văn Vạng (ông cố của ông Dũng) khai mở phần đất gần 140 công tại ấp Trung Bình (xã Thoại Giang, Thoại Sơn), đã được Sở điền địa chế độ cũ cấp bộ sổ từ ngày 7-12-1956. Sau đó, ông Vạng để lại cho bà Phan Thị Hanh và ông Trần Văn Nguyên (ông, bà nội của ông Dũng).

Phần đất này tiếp tục được để lại cho ông Trần Văn Đực (cha ông Dũng) sử dụng và đóng thuế hàng năm. Sau giải phóng, nhà nước có chủ trương cắt xâm canh; đến năm 1989, UBND tỉnh có Quyết định số 303 xóa xâm canh, chủ cũ và chủ mới trả thành quả cho nhau. Trong thời gian này, phần thì nhà nước lấy mở lộ, phần thì những hộ dân chiếm ở nên diện tích không còn như trong giấy.

“Cha tôi có cho bác tôi là Trần Văn Nhuận mượn 25 công đất để canh tác. Mẹ tôi dùng 50 công để làm lúa mùa từ 1 vụ lên 2 vụ, đồng thời cho nhiều hộ dân xung quanh mượn đất canh tác để giữ đất. Lúc bấy giờ, ông nội và cha tôi đều đã mất, nên tôi làm đơn gửi UBND xã xin trả thành quả lao động, nhưng vì thất lạc giấy tờ nên xã không giải quyết. Năm 2018, sau khi gia đình tôi trích lục được địa bộ cũ giấy tờ đất thì tiếp tục khiếu nại. Phần đất của gia đình tôi hiện nay một phần khoảng 4.000m2 do Trung tâm Y tế huyện sử dụng cất căn-tin, phần còn lại do 27 hộ dân chiếm dụng cất nhà ở (đất nằm cặp Tỉnh lộ 943).

UBND xã tiếp nhận và đã hòa giải nhưng không thành, hướng dẫn tôi khiếu nại về tỉnh. Nhưng không nơi nào nhận đơn, lại yêu cầu tôi về xã để được giải quyết. Ở xã buộc tôi phải có giấy ủy quyền từ ông cho cha, từ cha cho tôi; bảo tôi tự thương lượng với họ. Nếu thương lượng được, tôi đâu phiền đến chính quyền? Rất mong cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho gia đình được nhận thành lao động trên phần đất của ông bà tôi để lại” - ông Dũng đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Thoại Giang cho biết, năm 2018, địa phương tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Dũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn trả thành quả lao động cho gia đình ông phần diện tích ao sen trước cổng trung tâm, hiện tại làm căn-tin (cặp Tỉnh lộ 943), diện tích khoảng 4.000m2. UBND xã mời đôi bên đến ghi nhận vụ việc, đồng thời báo cáo về trên, bởi đây là vụ việc cá nhân tranh chấp với tổ chức. Quá trình làm việc, phía ông Dũng cho rằng, nguồn gốc đất của ông bà để lại cho ông sử dụng, trải qua nhiều đời. Từ năm 1975-1985, nhà nước có chính sách cắt xâm canh, gia đình ông không nhận được thành quả lao động trên mặt đất.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn cho biết, theo hồ sơ giấy tờ lưu trữ cho thấy Trung tâm Y tế huyện được nhà nước bàn giao đất; đã thực hiện việc trả thành quả lao động cho chủ đất xong từ những năm 1990. Diện tích thực tế sử dụng khu vực xây dựng bệnh viện (nay là Trung tâm Y tế huyện) là 12.677m2; đã trả bồi hoàn công trang trải cho chủ đất là ông Trần Văn Đực và Trần Văn Nhuận (15 giạ lúa/công).

Tại thời điểm năm 1990, Phòng Công nghiệp - Xây dựng - Giao thông Vận tải, cùng đại diện UBND xã Thoại Giang, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành thỏa thuận để trưng dụng phần đất của hộ ông Nhuận, hộ ông Đực để xây dựng bệnh viện; đã thỏa thuận trả xong một lần. Đến năm 1996, có nhu cầu mở rộng, Trung tâm Y tế huyện, đã kết hợp UBND xã Thoại Giang tiến hành bồi hoàn thành quả cho 9 hộ dân có đất nằm trong phạm vi mở rộng Trung tâm Y tế huyện (theo 9 quyết định của UBND tỉnh).

Do đó, việc ông Dũng khiếu nại yêu cầu Trung Tâm Y tế huyện Thoại Sơn trả thành quả lao động là chưa đủ yếu tố, cơ sở thụ lý giải quyết. Còn việc ông Dũng yêu cầu trả thành quả lao động đối với 27 hộ dân thì phải có giấy tờ chứng minh cụ thể, chứ không thể nói chung chung. Hiện nay, những hộ này đã cư ngụ ổn định từ lâu đời, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bài, ảnh: K.N