Trà Vinh tập trung các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

05/05/2018 - 17:18

Năm học 2017 – 2018 sắp kết thúc, nhưng tình trạng học sinh bỏ học ở tỉnh Trà Vinh vẫn chưa có hồi kết.

A A

Lớp dạy chữ Khmer vào dịp hè tại chùa Tháp, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nguồn ảnh: baocantho.com.vn

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục ngay từ bây giờ, không để tái diễn vào năm học 2018 – 2019.

 Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm học đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 học sinh bỏ học; trong đó, có 127 học sinh tiểu học, 590 học sinh trung học cơ sở, 160 học sinh phổ thông trung học, 156 học sinh hệ giáo dục thường xuyên. Nguyên nhân của tình trạng này, phần lớn là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức không sâu sắc, thiếu quyết tâm của cha mẹ học sinh, bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lợi ích của việc học tập, từ đó cho con em nghỉ học để giảm bớt gánh nặng về kinh tế. 

Nhiều trường hợp, các học sinh theo gia đình đi làm thuê theo mùa vụ tại các địa phương khác nên đã bỏ học. Cũng có không ít học sinh học lực yếu, chán nản, trốn học rồi đi đến nghỉ học.

Huyện Trà Cú là địa phương có số lượng học sinh bỏ học nhiều nhất tỉnh, với số lượng 189 em. Ngoài những nguyên nhân bỏ học nêu trên, có thêm nguyên nhân đặc thù là nơi có đông đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ Khmer nghèo không đất sản xuất khá cao, cuộc sống gia đình phải dựa vào công việc đi làm thuê xa nhà theo mùa vụ; trong đó có nhiều hộ đi làm thuê cả vợ và chồng nên phải đem con theo cùng. Cá biệt có hộ sang tận Campuchia làm việc, cũng có một số em được cha mẹ để lại ở nhà cùng ông bà để tiếp tục việc học, nhưng có trường hợp ông bà lớn tuổi, không quan tâm sâu sát việc học của con cháu nên học lực kém, chán học rồi bỏ học.

Ông Lê Tấn Đoàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Cú cho biết, các cấp, ngành, địa phương trong huyện cũng đã thực hiện nhiều biện pháp phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, nhưng số lượng học sinh bỏ học trong huyện vẫn còn khá cao. Trong số những học sinh bỏ học, có trường hợp chính quyền địa phương, nhà trường không cách nào liên lạc được với gia đình để vận động trở lại lớp.

Thầy Nguyễn Văn Ngự, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn trường có đến 25 học sinh nghỉ học. Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Nhân dân ấp đến nhà vận động tất cả các em trở lại lớp, nhưng chỉ 1 em vào học lại. Khi đó, nhà trường đề xuất dùng Quỹ Khuyến học của Hội Cha mẹ học sinh nhà trường hỗ trợ hàng tháng 300.000 đồng, nhưng cũng không thể giữ được các em tiếp tục học tập, do học lực quá yếu, tâm lý chán học, thêm vào đó  cha mẹ đi làm thuê xa, không cận kề khuyên bảo, động viên nên các em không chịu đi học lại.

Những năm qua, tuy ngành Giáo dục – Đào tạo, Hội Khuyến học cùng chính quyền địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều hoạt động, đẩy mạnh hoạt động chăm lo cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo, nhưng một bộ phận gia đình ở vùng nông thôn vùng sâu, vùng có đồng bào dân tộc Khmer không vượt lên được hoàn cảnh nghèo túng nên đành để con em bỏ học giữa chừng.  

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Công văn  số 962/UBND-KGVX về việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học năm 2018, chỉ đạo toàn ngành giáo dục, Hội Khuyến học các cấp, cùng các địa phương trong tỉnh, khẩn trương tổ chức rà soát, nắm cụ thể từng hoàn cảnh, nguyên nhân của các học sinh bỏ học để có giải pháp khắc phục.  

Đối với học sinh bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh, Hội Khuyến học các cấp, cùng các đoàn thể phải kịp thời hỗ trợ, vận động tuyên truyền đảm bảo giúp các em trở lại lớp trong năm học 2018-2019. Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, phải quan tâm sâu sát, tổ chức vận động các nhà mạnh thường quân, nhân dân tham gia, tạo điều kiện giúp đỡ cho các học sinh nghèo.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo chặt chẽ các trường học đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, theo dõi sâu sát tình hình học tập, hoàn cảnh gia đình của học sinh có nguy cơ bỏ học, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, phụ đạo cho học yếu kém, có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, kéo giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Các địa phương vận dụng các chương trình, chính sách, dự án xóa nghèo, giải quyết việc làm để ưu tiên hỗ trợ cho các gia đình có học sinh bỏ học cải thiện hoàn cảnh kinh tế, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học.

Theo PHÚC SƠN (TTXVN)