Trải lòng của người làm báo

20/06/2018 - 07:09

 - Mỗi buổi sáng, như một thói quen ai cũng cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hay 1 tờ báo giấy, lật từng trang, lướt từng bản tin để cảm nhận những gì diễn ra trong cuộc sống. Đằng sau những ngôn từ sinh động, hình ảnh chân thật về bức tranh cuộc sống chính sự dấn thân, hy sinh không hề nhỏ của những người trót mang nghiệp viết lách.

Trong những buổi gặp gỡ bạn bè, kết nối với những tổ chức, cơ quan hoặc doanh nghiệp, anh em nhà báo chúng tôi nhận được sự ngạc nhiên, thích thú của bạn bè khi được nghe giới thiệu là nhà báo. Trong cách hình dung của họ, nhà báo phải là người ăn mặc phong trần, mặc áo khoác ghi lê, vai đeo máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp. Rồi nhà báo là người chuyên đi phỏng vấn nhân vật, nay chúng tôi bị phỏng vấn ngược lại với sự ngưỡng mộ của bạn bè. Hẳn anh, chị học văn giỏi lắm mới có thể viết nên nhiều bài báo sinh động, hấp dẫn, đầy cảm xúc và thuyết phục người đọc. Cách đi thực tế, lấy tư liệu, viết bài, quy trình làm báo tại tòa soạn như thế nào luôn là những câu hỏi quan tâm hàng đầu trong buổi trò chuyện, giao lưu. Chính sự trân trọng của xã hội đối với nghề báo là động lực để các nhà báo vượt qua khó khăn, trở ngại của nghề. Đó không hẳn là một cảm giác lâng lâng, có cảm xúc mới viết và mang tính văn chương, tưởng tượng. Người làm báo phải bám sát thực tế, viết và viết trong mọi hoàn cảnh, trong những lúc thiên tai, giông bão, sạt lở, nhà cháy… chúng tôi đều phải có mặt hiện trường và bằng mọi cách truyền tải thông tin sớm nhất về tòa soạn và bạn đọc.

Phóng viên Báo An Giang trao đổi với cán bộ địa phương và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn

Phóng viên Báo An Giang trao đổi với cán bộ địa phương và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn

Công việc nhà báo là theo sự kiện nên có mấy ai còn khái niệm về ngày nghỉ, lễ, Tết. Có những đêm thao thức không ngủ được, đó chính là lúc phóng viên trăn trở tìm đề tài, cách tiếp cận vấn đề để phản ánh mọi góc độ cuộc sống. Khi không gian chìm lắng vào đêm khuya, tiếng gõ bàn phím lách cách theo mạch nguồn trôi chảy ngôn từ hay đôi khi là những bứt rứt vì không thể viết thành câu cú để kết nối bao dữ liệu đã thu thập. Đó còn là những buổi sáng vội vã thoát khỏi chăn ấm, uống vội tách cà phê để tiếp nối bài viết còn dang dở, để kịp chuyển bài cho Ban biên tập duyệt và đăng tải. Ngày đội nắng, dầm mưa, ôm chiếc xe gắn máy chạy mòn biết bao vỏ xe để đến với từng huyện, thị xã, thành phố hay các vùng biên giới, hải đảo, tìm cho được sự thật, thấy tường tận bao câu chuyện cuộc đời, tối về phải “cân não” làm sao phản ánh hết những điều mắt thấy, tai nghe một cách toàn diện, trung thực, đó chính là công việc của những người làm báo chân chính.

Tác nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia

Tác nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia

Môi trường tác nghiệp của nhà báo không chỉ ở chỗ nghị trường, hội nghị, nơi diễn ra lễ hội, sự kiện hoành tránh, mà nhà báo còn len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ngọc Giang (phóng viên Báo An Giang) trải lòng: “Dường như mình có duyên với những đề tài bình dị, thấy cảnh những người đàn ông mua gánh bán bưng, phụ nữ đẩy cả xe dừa đi bán, bà cụ già chèo ghe bán trái cây dọc miền sông nước, thấy cảnh người cán bộ hội phụ nữ đã về hưu nhưng vẫn cặm cụi bán những chiếc bánh bông lan ngọt ngào mà thương lắm. Đó còn là hình ảnh của biết bao hoàn cảnh thương tâm, đau ốm, bệnh tật, giành giật sự sống từng giờ từng khắc với tử thần. bài viết là nhịp cầu kết nối những nhà hảo tâm, giúp đỡ những người cần đến. bản thân tôi đã học được rất nhiều về tình người, nghị lực vượt qua bệnh tật, đói nghèo của các nhân vật để nhận ra qua bao nhiêu năm sống và làm nghề mình hãy còn nhỏ bé lắm”.

Nhà báo xách ba lô lên là đi, “cơm hàng, cháo chợ” là chuyện thường xuyên nên vất vả lắm mới có thể vung vén vẹn tròn cho gia đình và công việc. Nếu đâu đó trong từng mái nhà có vợ hoặc chồng làm nghề nhà báo mà người còn lại có sự cảm thông, sẻ chia thì người làm báo hạnh phúc biết bao. Sau bao nhiêu thấu hiểu và sẻ chia, những người bạn đời cũng tự hào lắm khi thấy người vợ hoặc chồng mình xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, được mọi người yêu thích vì mạnh dạn phản ánh những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống, đại diện tiếng nói người dân hay chuyển tải nhiều thông tin mới về đời sống, kinh tế- xã hội, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, những mô hình hay, ý tưởng sáng tạo của những thanh niên khởi nghiệp hay đơn giản là câu hỏi “Nhà báo hôm nay viết về hoàn cảnh nào vậy, cho “bạn đọc trung thành” gửi chút tiền giúp đỡ nhé”. làm báo là vậy, vất vả ấy thế mà vui.

Bài, ảnh: TRÚC PHA