Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2:

Trầm Bê 'giúp' Phạm Công Danh chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng

25/07/2018 - 09:02

Chiều nay (24-7), TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm ra xét xử về tội 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' với phần công bố cáo trạng của đại diện VKS.

Từ chuyện vay vốn Sacombank có sự giúp sức của Trầm Bê…

Theo cáo trạng, thời điểm giữa năm 2013, VNCB đang có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại BIDV từ năm 2012 đã hết hạn trả nợ. Để có nguồn tiền thanh toán các khoản vay trên, ông Danh đã chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB gồm Danh và 5 thành viên khác.

Khoảng tháng 4-2013, Danh đến Sacombank gặp trực tiếp Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) trình bày lý do để vay tiền.

Giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh đã có mối quan hệ từ trước. Đồng thời, Trầm Bê cũng biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB, không thể vay được tiền tại VNCB nên đồng ý cho Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Các bị cáo tại phiên tòa

Sau đó, Trầm Bê dẫn Danh đi gặp Phan Huy Khang để thống nhất về khoản vay của Phạm Công Danh. Theo đó, Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Tiếp theo, Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai và Hoàng Đình Quyết đến Sacombank sử dụng pháp nhân 6 công ty (do Danh thành lập, thuê người đứng tên) làm hồ sơ để vay khoản tiền 1.800 tỷ đồng.

Mặc dù hồ sơ vay vốn của 6 công ty mà Danh dùng pháp nhân chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt cho 6 công ty của Danh vay: Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh (Công ty Nhất Nhất Vinh) vay 250 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV XD và KD Nhà Quốc Thắng vay (Công ty Quốc Thắng) 350 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV XD – ĐT – PT Địa ốc Bảo Gia (Công ty Bảo Gia) vay 340 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV XD&KD Nhà Đại Long (Công ty Đại Long) vay 310 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt (Công ty Hương Việt) vay 300 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV TMDV Thành Thành Công (Công ty Thanh Thanh Công) vay 250 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang và Phan Đình Tuệ đã trao đổi với ông Bùi Văn Thành là Giám đốc Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và bà Trần Thị Hải Triều là giám đốc Sacombank chi nhánh quận 8, TP HCM. Hai chi nhánh này trực tiếp xuất 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty kể trên vay.

Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT VNCB được chỉ đạo lập báo cáo tài chính khống năm 2012 và nửa năm 2013 để hoàn thiện hồ sơ vay.

Nhân viên Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 vừa lấy tài liệu do Khương cung cấp, vừa lập hồ sơ tín dụng như Hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá cho Sacombank phát hành... Tổng số tiền gửi dùng để đảm bảo khoản vay 1.800 tỷ đồng của VNCB thời điểm đó là 1.854 tỷ đồng.

Toàn bộ 1.800 tỷ đồng tiền vay của Sacombank đều được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ.

Đại diện VKS công bố cáo trạng

Sau khi vay được tiền của Sacombank, vào ngày 27-4-2013, Danh chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 2. Số tiền này dùng để trả gần 1.200 tỷ đồng cho khoản nợ 1.700 đồng mà các công ty của Danh vay chi nhánh này vào năm 2012.

Chuyển qua BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 2 số tiền hơn 450 tỷ đồng để chuyển đến BIDV Chi nhánh Hải Vân, dùng để trả cho khoản nợ mà các công ty của Danh vay 900 tỷ đồng của chi nhánh Hải Vân năm 2012.

Đến ngày 26-4-2014, Sacombank tự động thu nợ gốc là 1.800 tỷ đồng và lãi vay là hơn 35 tỷ đồng từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ. Phía VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ đồng.

Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đủ cơ sở xác định Phạm Công Danh là chủ mưu và 12 đồng phạm: Phan Thanh Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Nguyễn An Vinh, Nguyễn Ngọc Thái, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Kim Vân, Trầm Bê, Phan Huy Khang đã giúp sức cho Danh về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” gây thiệt hại hơn 1.835 tỷ đồng cho VNCB.

Hành vi Cố ý làm trái của Phạm Công Danh cùng đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, gây thiệt hại trên 1.835 tỷ đồng và sự giúp sức của Trầm Bê.

…Đến mượn pháp nhân để vay vốn tại TPBank

Về hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng.

Tháng 5-2013, với lý do để có tiền cho việc chăm sóc khách hàng, tăng vốn đầu tư của VNCB và trả nợ các khoản vay, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về để Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại thì được Danh đồng ý.

Nhờ có quen biết từ trước với nhau, Mai đã trao đổi và thống nhất với Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt) về việc ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mướn pháp nhân các công ty để vay tiền tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Số tiền vay được sẽ dùng mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.Theo đó, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay này.

Dẫn giải Phạm Công Danh về trại giam

Để thực hiện kế hoạch, Hà gặp gỡ và trao đổi nhiều lần với Đặng Thị Bích Thủy (Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank) và Đinh Việt Cường (GĐ khối Khách hàng doanh nghiệp của TPBank) cùng tìm các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Theo như thỏa thuận, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay của 11 Công ty trên tại TPBank nên từ khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12-2013, VNCB đã gửi trên 9 hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền là hơn 1.706 tỷ đồng để đảm bảo cho 11 Công ty vay 1.666,8 tỷ đồng tại TPBank trong thời hạn 1 năm. Sau đó, TPBank đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn và giải ngân cho 11 Công ty vay vốn với tổng số tiền cho vay hơn 1.666 tỷ đồng.

Cụ thể: Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát) 153 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thạch Hà (Công ty Thạch Hà) 150 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đại Phát Việt Nam (Công ty Đại Phát Việt Nam) 170 tỷ đồng, Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Long Khánh (Công ty Long Khánh) 130 tỷ đồng, Công ty TNHH phát triển đầu tư Thuận Phát (Công ty Thuận Phát) 178 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư phát triển và dịch vụ An Phát (Công ty An Phát) 173 tỷ đồng, Công ty CPTM Khôi Nguyên Phát (Công ty Khôi Nguyên Phát) 109 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Khánh Chi ( Công ty Khánh Chi) 112 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Kỳ Nam (Công ty Kỳ Nam) 141,8 tỷ đồng, Công ty TNHH Phát triển đầu tư dịch vụ Toàn Phát (Công ty Toàn Phát) 215 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại Đức Long (Công ty Đức Long) 135 tỷ đồng.

Bản cáo trạng nêu rõ, việc Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2012 và văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các dự án Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng là trái với quy định.

Tiếp đó, 11 Công ty có Ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung. Sau đó, các số tiền này điều được Phạm Công Danh rút ra và sử dụng.

Đến tháng 4-2014, 7-11 công ty mà Danh mượn pháp nhân để vay vốn tại TPBank không xuất trình được những hồ sơ thể hiện việc triển khai thực hiện như trong hợp đồng, tiềm ẩn rủi ro về thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn và khả năng trả nợ cho TPBank, nên TPBank đã công bố thu hồi tiền vay của 11 công ty.

Đến 7-4-2014, TPBank đã tự trích tiền gửi của VNCB tại TPBank để thu hồi nợ vay với số tiền hơn 1.740 tỷ đồng.

Khai tại CQĐT, Phạm Công Danh cho biết, do cần tiền để chứng minh cho việc tăng vốn điều lệ của VNCB, chăm sóc khách hàng và trả nợ các khoản vay nên Danh chỉ đạo Mai tìm nguồn tiền.

Sau đó, Mai đã giới thiệu Nguyễn Việt Hà với Danh, đề xuất thông qua các công ty để vay tiền tại TPBank. Việc phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung là do Mai tham mưu cho Danh, Danh giao cho Mai, Khương, Viễn chứ không nắm rõ.

Theo Phạm Công Danh, việc thực hiện, hồ sơ, thủ tục vay vốn, Danh đều giao cho Mai.Danh không trực tiếp gặp ai ở TPBank.

Về số tiền 1.600 tỷ đồng chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, Danh khai đã chuyển hơn 194 tỷ đồng để trả lãi ngoài cho ông Trần Quí Thanh nhưng ông Thanh không thừa nhận có việc này.

Đại diện VKS cho biết, dựa vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đủ cơ sở xác định Phạm Công Danh là chủ mưu và 20 đồng phạm gồm: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Trần Văn Bình, Nguyễn Việt Hà, Phạm Hoài Thanh, Vũ Viết Minh Quân, Hà Văn Bình, Đỗ Phương Nam, Lê Duy Thọ, Ong Khắc Chung, Đỗ Minh Thủy, Nguyễn Kim Cẩm Vân, Đinh Việt Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Đặng Thị Bích Thủy, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Thế Linh, Trần Quang Huy, Đỗ Việt Bun đã vi phạm về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại hơn 1.740 tỷ đồng cho VNCB.

Theo VĂN VŨ - TRUNG HIẾU (Công An Nhân Dân)