Trân quý “kho báu” tri thức của kiều bào

01/02/2018 - 01:30

 - Với những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được khi làm việc ở các quốc gia phát triển, đội ngũ chuyên gia, kiều bào, doanh nhân người Việt ở nước ngoài sẽ có những đóng góp quan trọng cho An Giang nếu trân trọng tri thức của họ. Mối quan hệ rộng của đội ngũ nàysẽ giúp ích cho tỉnh trong thu hút đầu tư, hợp tác phát triển.

Lời khuyên của chuyên gia hàng đầu

Trong không khí đón chào Xuân Mậu Tuất 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng và lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi gặp gỡ, giao lưu đặc biệt với các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và kiều bào TP. Hồ Chí Minh nhân dịp đoàn đến thăm An Giang. Trong đó có những trí thức, chuyên gia đầu ngành từng đảm nhiệm những công việc quan trọng ở Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Úc, Singapore…

“Chúng tôi muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về chia sẻ với An Giang. Từ đó, gợi mở cho tỉnh những kế hoạch mới về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phù hợp với nhu cầu, khai thác hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh, chọn lựa định hướng phát triển phù hợp…” - ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

An Giang trân trọng những đóng góp của kiều bào, trí thức, doanh nhân

So với khối tri thức bao la, vô tận của nền công nghiệp 4.0, những gợi ý của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và kiều bào tỏ ra dễ hiểu, thiết thực và dễ áp dụng hơn bởi đó là những gì họ đã trải nghiệm, từng bỏ công nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn.

“An Giang nên đứng trên “đôi vai người khổng lồ”, tức là mua hoặc nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ, bằng sáng chế sắp “hết hạn” ở những quốc gia có công nghệ tiên tiến. Dù là đồ “cũ” của họ nhưng với ta hoàn toàn mới. Từ những công nghệ chuyển giao này, An Giang có thể ứng dụng vào nông nghiệp (NN) công nghệ cao, du lịch (DL) kết nối. Trên nền tảng công nghệ của họ, chúng ta có thể nghiên cứu, phát triển và sáng tạo thêm để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử… Việc tận dụng công nghệ theo kiểu “cũ người mới ta” sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, đạt hiệu quả nhanh hơn so với nghiên cứu từ đầu” - ông David Ngô (kiều bào Mỹ), chuyên gia công nghệ thông tin bày tỏ thẳng thắn.

Với kiến thức, kinh nghiệm của một người từng nhận học bổng Intel, có nghiên cứu sâu về công nghiệp 4.0, ông David Ngô cho biết, sẵn sàng chuyển giao đề cương về đổi mới sáng tạo mà ông đã xây dựng cho TP. Hồ Chí Minh để tỉnh An Giang nghiên cứu, áp dụng.

Những ý tưởng lớn gặp nhau

“An Giang muốn xây dựng DL thành mũi nhọn nhưng khả năng giao tiếp tiếng Anh của những người làm DL yếu thì rất khó thu hút khách quốc tế quay trở lại. Qua hợp tác với tỉnh Tây Ninh, chúng tôi đã cử 16 bạn dạy toàn thời gian ở các trường phổ thông về giao tiếp tiếng Anh và kỹ năng mềm. Lãnh đạo tỉnh cũng tham gia khóa học về thực hiện chuỗi NN kết nối thế giới và kỹ năng DL. Chúng tôi đã thực hiện đào tạo 200 cán bộ của tỉnh Tây Ninh về năng lực tiếng Anh cho NN và DL. Muốn các lĩnh vực này phát triển, mỗi cán bộ phải là người trực tiếp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh với đối tác nước ngoài”- ông Huỳnh Hạnh Phúc, tốt nghiệp ngành Quản trị công ở Đại học Havard (Mỹ) chia sẻ.

“Chúng tôi thấy cách làm này rất hay. Chúng tôi rất mong có chương trình phối hợp để đào tạo, nâng cao năng lực tiếng Anh và kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức, phục vụ 2 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là NN và DL”-  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng (trái) tặng quà cám ơn ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người  Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã kết nối kiều bào, trí thức, doanh nhân đến An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng (trái) tặng quà cám ơn ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người  Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã kết nối kiều bào, trí thức, doanh nhân đến An Giang

Liên quan đến lĩnh vực DL, bà Lê Ngọc Hiến Thanh, Giám đốc Công ty DL Cỏ Việt (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, An Giang có tiềm năng về DL homestay, Mekong tour, DL tâm linh, DL sinh thái gắn kết làng nghề truyền thống nhưng kết nối với các tour DL quốc tế còn ít.

“Chúng tôi rất quan tâm, muốn tìm hiểu, kết nối với An Giang để khai thác các loại hình DL này, giới thiệu với du khách quốc tế. Tuy nhiên, ngoài tuyến đường bộ, An Giang có thể nghiên cứu mở thêm các tuyến cao tốc đường thủy để tạo thuận lợi hơn cho du khách” - bà Thanh đề xuất ý kiến.

“Kết nối nhiều tour, tuyến, thu hút thêm khách quốc tế cũng là mong muốn của DL An Giang. Thực tế, năm 2017, An Giang thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách nhưng doanh thu DL chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng. Tính ra, mỗi du khách đến An Giang xài hơn 500.000 đồng. Để khắc phục các điểm yếu về DL, từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung giải quyết 4 vấn đề cấp bách, gồm: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào DL, nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL chuyên nghiệp; đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kết nối trọng tâm DL, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống An Giang; kết nối thêm tour, tuyến, quảng bá DL An Giang. Do vậy, gợi ý kết nối của bà Thanh chúng tôi rất hoan nghênh” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL An Giang Nguyễn Văn Lên nhấn mạnh.

Tại buổi giao lưu, những ý tưởng gợi mở của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và kiều bào như “gãi đúng chỗ ngứa” nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. “Buổi gặp gỡ đã giúp tỉnh có được cái nhìn tổng thể và chiến lược, định hướng hợp lý hơn trong tương lai. An Giang sẽ tăng cường kết nối để các kiều bào, trí thức, doanh nhân có thêm cơ hội hợp tác và đóng góp cho tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

“An Giang luôn cầu thị và mong muốn phát triển. Thông qua kiều bào, tỉnh kêu gọi thân nhân kiều bào và đối tác về tìm hiểu, đầu tư tại An Giang, ưu tiên lĩnh vực NN, DL và đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi luôn xem doanh nghiệp, kiều bào là động lực phát triển của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

 

NGÔ CHUẨN