Trăn trở của nông dân

15/04/2019 - 08:06

 - “Nông dân chúng tôi rất trăn trở trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, tình trạng mưa nắng thất thường làm cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là tình trạng “được mùa, mất giá” tiếp tục diễn ra” - ông Trần Trọng Tuấn (nông dân xã Tân An, TX. Tân Châu) trăn trở.

Mưa nắng thất thường

Gia đình ông Trần Trọng Tuấn có 1,5ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 1ha ông trồng lúa, 5 công đất còn lại ông trồng hoa màu. Những năm gần đây, do mưa nắng thất thường, hoa màu do ông trồng mang lại hiệu quả không cao. “Nhiệt độ tăng và hạn hán gay gắt kéo dài vào mùa khô; mưa to và kéo dài vào mùa mưa làm cho tính chất mùa vụ không còn rõ rệt như trước. Chính sự biến đổi thất thường của thời tiết làm cây trồng thiệt hại rất lớn. Cụ thể, lúa đang ở giai đoạn trổ bông, mưa nhiều nên bị lép và đổ ngã. Xoài đang ra hoa, nắng nhiều nên tỷ lệ đậu trái rất thấp…” - ông Tuấn phân tích.

Đầu ra cho sản phẩm không ổn định là nỗi lo của nông dân

Vụ hè thu 2017-2018, trên diện tích 1ha đất trồng lúa, thay vì trồng giống IR 50404 để dễ bán, năng suất cao, ông Tuấn chuyển sang trồng thử nghiệm giống lúa Nhật để có đầu ra ổn định. Mặc dù tính toán là vậy, song do tình hình thời tiết biến đổi nên việc chuyển dịch của ông năm đó không thành công. Cụ thể, khi lúa trổ bông, rơi vào đợt mưa nhiều, lúa chịu không nổi mưa giông nên đổ ngã khoảng 60% diện tích. Năm đó, năng suất mỗi công đất chỉ thu về được 600kg. “Để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, chúng tôi phải cập nhật thường xuyên diễn biến của thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng, những dự báo của ngành khí tượng thủy văn. Từ đó, có sự tính toán phù hợp với tình hình sản xuất. Cụ thể, trong trồng trọt, gia đình tôi tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, xuống giống đúng lịch thời vụ để né rầy và dịch bệnh. Trồng các giống lúa cứng cây, chịu được mưa giông mà không đổ ngã. 5 công đất trồng rau cải của gia đình, tôi đã chuyển sang trồng xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc để có thị trường tiêu thụ ổn định, mặt khác nhằm hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương” - ông Tuấn thông tin.

Ở TX. Tân Châu, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ có gia đình ông Tuấn mà nông dân trên địa bàn đều có ý thức cao về vấn đề này, từ đó biết lựa chọn những cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết trong từng mùa vụ, những cây trồng vừa cho năng suất tốt, vừa có thị trường tiêu thụ ổn định như: xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc. Đây là 2 giống xoài được xuất vào thị trường Nhật Bản và Mỹ, từ đó hiệu quả vụ mùa được nâng lên đáng kể, giải quyết cơ bản những trăn trở của nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

"Được mùa, mất giá"

“Người nông dân luôn trăn trở trên thửa ruộng của mình, bởi tình trạng “được mùa, mất giá” những năm gần đây vẫn còn diễn ra. Tình hình thời tiết thất thường làm cho vụ mùa kém hiệu quả, nếu chạy theo năng suất thì chất lượng sẽ giảm. Ngược lại, chú trọng chất lượng thì năng suất thấp, sản lượng thấp, thu nhập ít, đây là những khó khăn đặt ra trong sản xuất...” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê phân tích.

Để giải quyết những khó khăn này, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác để nông sản làm ra có được nơi tiêu thụ tốt. Vào hợp tác xã để nông dân trao đổi thông tin, vận động nhau thực hiện các chủ trương do ngành nông nghiệp khuyến cáo như: gieo sạ đúng lịch thời vụ và sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị xuất khẩu cao, có thị trường tiêu thụ dễ dàng. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi. “Giải quyết bài toán “được mùa, mất giá“ không có con đường nào hay hơn là cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác, thực hiện mô hình “Mua chung, bán chung”. Gia đình tôi từ khi trở thành thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1 đến nay, cuộc sống đã bớt vất vả” - bà Trần Thị Hai (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Trăn trở của nông dân Tân Châu giờ đây đã có lời giải. “Ngoài vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, trong sản xuất, ngành nông nghiệp thị xã đang hướng nông dân đến thực hành sản xuất tốt, nghĩa là trồng lúa, trồng cây ăn trái đến nuôi cá, nuôi lươn theo mô hình VietGAP. Điều này sẽ giúp sản phẩm làm ra được an toàn cho người sử dụng, chi phí sản xuất hợp lý để có lợi nhuận tốt”- Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN