Trăn trở nghề thợ may

25/09/2018 - 07:58

 - Giữa những thương hiệu thời trang nổi tiếng hay cửa hàng quần, áo bình dân “mọc lên như nấm” như hiện nay, không ít tiệm may vẫn “âm thầm” tồn tại và có “chỗ đứng riêng”. Nhưng mấy ai biết được, giữa tiếng lạch cạch, rè rè của guồng máy may là bao nỗi suy tư, trăn trở của những người thợ may.

Còn khách là người thợ may vẫn còn theo nghề

Tranh thủ ghé tiệm may gần nhà vào giờ nghỉ trưa, tôi hơi áy náy khi thấy chú Bé (55 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú 4, thị trấn An Châu, Châu Thành) nuốt vội chén cơm rồi lật đật tìm chỗ cất cái mâm với dĩa rau và vài miếng thịt nguội. Nhìn chiếc đồng hồ treo tường, chú Bé cho biết, giờ này mới rảnh tay nên tranh thủ ăn cơm để dằn bụng. “Vậy là làm ăn cũng được quá hả chú?”- tôi hỏi người thợ may. “Nhờ bà con ủng hộ nên tôi còn giữ được nghề để nuôi thân đến giờ đó chứ”- chú Bé tiếp lời. Câu chuyện về nghề may được bắt đầu như thế. Quên nhanh bữa cơm đang ăn dỡ, chú Bé như tìm được người tri kỷ, cứ thế huyên thuyên về cái nghề mà mình đã theo từ thời trai trẻ. Trong tiệm may nhỏ ấy, tôi được chia sẻ về những thăng trầm của người thợ may. Cả không gian phút chốc như ngừng trôi khi hình ảnh nghề thợ may vàng son hiện lên sống động qua lời kể của chú Bé.

Theo lời chú Bé, vào thập niên 80, nghề may ở đất này thịnh lắm. Tính luôn tiệm may của chú có hơn chục tiệm khác. Nay thì chỉ còn lác đác vài tiệm. Lúc ấy, muốn theo nghề may, chú và nhiều thanh niên khác phải đi “bái sư” ở tận TX. Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên). Khi đó, nhà may ở đất Long Xuyên nhiều không kể hết. Thời điểm ấy, nhu cầu may mặc bắt đầu tăng vọt, thợ trẻ theo học nghề rất đông. Vì lẽ đó, nhiều người thợ như chú Bé vẫn nhớ về “thời vàng son” của nghề may. Học nghề may lúc ấy đâu phải rẻ, chú Bé phải dành dụm, chắt góp mới đủ tiền học. Vậy mà, người học cứ tấp nập, tiệm may nào cũng có học trò theo học. Chợt, khuôn mặt chú Bé tắt hẳn nụ cười cùng câu nói: “Giờ thì, người trẻ ít ai chịu theo nghề may lắm. Có chăng chỉ là học những nét may cơ bản để xin may công nghiệp ở các xí nghiệp mà thôi”. Tôi đồng cảm với nỗi buồn ấy của người thợ may đứng tuổi đang đứng trước mặt mình.

“Năm 1983, tôi bắt đầu học may nhưng phải đến năm 1987 mới chính thức mở tiệm. Nếu nói nghề may là khó, tôi nghĩ cũng không hẳn. Vì người học chỉ mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm là có thể ra nghề. Nhưng đòi hỏi tính thẩm mỹ và sự tỉ mỉ rất cao. Để tích lũy kinh nghiệm cũng như nâng cao tay nghề, tôi đã xin làm thợ phụ việc gần 4 năm. Kể ra thì người trẻ nào không ngao ngán, vì thời nay mà bắt họ theo học nghề này sẽ không biết “trụ” được đến đâu. Được cái tiệm may cho riêng mình, tôi mừng lắm! Nếu nói đây là nghề làm “dâu trăm họ” cũng không sai khi mỗi khách 1 ý, mỗi người 1 tính. Người thợ nào may không vừa ý là họ “quay lưng” luôn chứ chẳng đùa. ở quê, tiền công thấp, nhờ khách thương ủng hộ nên tôi vẫn “bám” nghề đến nay. Nhiều năm trước, tôi có nhận dạy thợ nhưng hầu hết họ không theo nghề may. Số ít theo nghề thì bấp bênh vì không “cạnh tranh” nổi với những nhà may có tiếng”- chú Bé chia sẻ.

Thế mới thấy, mỗi nghề đều có một thời. Và “tuổi thọ” nghề may dài hay ngắn tùy theo sự phát triển công nghiệp ngành may sẵn. Những người thợ có tay nghề và gắn bó lâu năm luôn vương vấn về thời “vàng son” của nghề may. Giờ đây, nhiều người thích chọn hàng may sẵn vì nhanh, kiểu dáng đa dạng lại vừa túi tiền. Người “sành điệu” hơn thì đến “shop” hàng hiệu để tìm mua những “bộ cánh” sang trọng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người thợ may vẫn yêu nghề vì có người tìm may, biết quý trọng từng đường kim, mũi chỉ. Đã có không ít người thích chọn mua vải và tự đi may, bởi vừa vặn với họ, đường may sắc sảo và theo ý mình, nhất là cảm giác hồi hộp, chờ đợi bộ đồ may sắp hoàn thành, rất hào hứng và phấn khích. Đặc biệt là giới công sở, dường như họ thích may tiệm hơn. Song, khách may là người trẻ khá ít, vì những “bộ cánh” thời trang, theo thời đã khiến họ mãi miết “chạy” theo, để lại “khoảng lặng” cho nghề thợ may từ nhiều năm nay.

Chưa kể, người thợ may lâu năm có thể đối mặt với nhiều bệnh nghề nghiệp vì phải ngồi liên tục và thức khuya, dậy sớm để hoàn thành sản phẩm đúng lịch hẹn. Vậy mà khi tôi hỏi: “Có bao giờ chú muốn bỏ nghề không?”, chú Bé trả lời dứt khoát: “Còn sức khỏe thì vẫn theo nghề vì đã trót yêu rồi. Chỉ khi nào không còn khách may, chúng tôi mới lo thôi. Nhưng không biết nghề này sẽ tồn tại đến bao lâu vì lớp kế thừa “không mặn mà”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN