Tranh chấp nền nhà cụm dân cư vượt lũ

03/01/2019 - 07:50

 - Tranh chấp đất (được mua theo diện hộ nghèo vượt lũ) với vợ chồng người cô, ông Phan Văn Minh (sinh năm 1989, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, Châu Thành) khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Ông Minh trình bày vụ việc

Theo trình bày của ông Minh, từ lúc 4 tuổi, ông đã sống cùng bà Trần Thị Đẹt (bà nội nuôi, ở ấp Tân Lợi). Hoàn cảnh khó khăn, họ sống tá túc, tạm bợ trên bờ kênh gần khu vực chợ xã Tân Phú. Năm 2004, UBND xã Tân Phú đề nghị UBND huyện Châu Thành xem xét cấp cho bà Đẹt 1 nền nhà vượt lũ ở cụm dân cư trung tâm xã Tân Phú (trả chậm trong 10 năm). Theo Quyết định số 113 ngày 16-1-2004, bà Đẹt được cấp nền nhà số 8, lô B, thửa 2284, tờ bản đồ số 02, diện tích 8x14m. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm ở xã đã đóng góp, cất cho họ căn nhà (diện tích 4x14m) bằng cây bạch đàn, lợp thiếc, vách lá, lót gạch tàu, phần còn lại để trống.

“Tôi là người trực tiếp sống chung, nuôi dưỡng và chăm sóc khi bà ốm đau, bệnh tật cho đến khi bà qua đời (năm 2006, có xác nhận của chính quyền địa phương). Bà mất, chỉ còn tôi sống trong căn nhà này. Thời gian sau, tôi đi học nghề và làm việc tại Bình Dương. Lúc này, vợ chồng bà Phan Thị Mười, Cao Anh Tuấn (em ruột của cha nuôi tôi) tự ý đến chiếm đất cất nhà bên phần đất trống, rồi dỡ toàn bộ căn nhà của bà cháu tôi. Tôi khiếu nại đến UBND xã Tân Phú, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Địa phương động viên tôi cứ đi học, đi làm, nền nhà vẫn còn của tôi. Nghe vậy, tôi yên tâm đi làm. Khoảng 6-7 năm sau, tôi đến UBND xã trả tiền nền nhà, mới hay bà Mười đã trả góp 600.000 đồng. Tôi khiếu nại tiếp tục. Tháng 8-2014, UBND xã mời đôi bên đến hòa giải. Tại buổi hòa giải, phía bà Mười cho rằng bà Đẹt là mẹ, nên bà Mười được hưởng thừa kế. Đồng thời, đòi tôi phải bồi thường 5 triệu đồng tiền sửa nhà (vì nhà tôi bị mối mọt, xiêu vẹo nghiêng qua nhà họ). Nghĩ tình nghĩa họ hàng, tôi chấp nhận chia đôi diện tích đất với vợ chồng bà Mười (4x14m/người), mỗi người có nghĩa vụ trả phân nửa tiền nền nhà. Nhưng phía vợ chồng bà Mười không đồng ý. Hòa giải không thành, sự việc kéo dài. Để mưu sinh, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, ăn nhờ ở đậu nơi này, nơi khác, rất khổ sở. Đến năm 2018, tôi tiếp tục khiếu nại. Ngày 31-5-2018, UBND xã mời hòa giải, nhưng vợ chồng bà Mười không đến. Kính mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết thấu tình đạt lý, dứt điểm vụ việc, xem xét giải quyết chia đôi diện tích nền nhà để tôi có nơi ăn chốn ở, ổn định cuộc sống” - ông Minh bức xúc.

Phía bà Phan Thị Mười cho rằng: “Nền nhà này của mẹ tôi được Nhà nước bán trả chậm. Mẹ đã qua đời, tôi là hàng thừa kế thứ nhất nên được hưởng. Ông Phan Văn Minh không có quan hệ gì với gia đình, chỉ là con nuôi của người anh thứ 5 Phan Văn Út Lớn. Minh không sống chung với mẹ tôi trong thời gian dài, chỉ mới nhập hộ khẩu sau khi mẹ tôi qua đời. Nền nhà này trên 8 triệu đồng, tôi đã trả được 600.000 đồng. Do có tranh chấp nên địa phương không thu nữa, nhưng hàng năm tôi đều đóng thuế. Qua nhiều lần hòa giải không thành, tôi yêu cầu chuyển hồ sơ đến huyện, địa phương không chuyển, bảo “đã mất hồ sơ”. Tôi khiếu nại đến huyện, huyện chuyển về xã giải quyết, nhưng xã cứ kéo dài. Yêu cầu cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, đồng thời xử lý đối với cán bộ địa chính xã về cung cách thái độ tiếp dân, có hành vi trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Tân Phú cho biết: năm 2004, hộ bà Trần Thị Đẹt được UBND huyện giao đất nền nhà vượt lũ ở cụm dân cư Trung tâm xã Tân Phú, giá nền 8.624.000 đồng. Bà Đẹt cất nhà ở ổn định cùng cháu nội Phan Văn Minh trên phần diện tích 4x14m. Năm 2006, khi bà Đẹt mất, ông Minh ở trong nhà cúng kiến. Sau đó, ông chuyển hộ khẩu từ nhà cha mẹ nuôi (ở xã Kiến An, Chợ Mới) về xã Tân Phú (có xác nhận của Công an xã ngày 2-10-2007). Năm sau, ông Minh đi Bình Dương làm ăn, nhà bỏ trống. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà Phan Thị Mười vào cất nhà ở trên đất còn lại của bà Đẹt. Ở được vài năm, căn nhà của bà cháu ông Minh bị hư mục, nên vợ chồng bà Mười tháo dỡ, cất sửa thêm, sử dụng hết nền nhà. Đến năm 2014, ông Minh về. Do có mâu thuẫn nội bộ gia đình nên phát sinh tranh chấp, UBND xã mời đôi bên đến hòa giải. Phía ông Minh yêu cầu chia đôi nền nhà (mỗi bên một nửa) và đồng ý trả hết tiền nền nhà. Phía gia đình bà Mười không thống nhất chia đôi, cho rằng ông Minh là con nuôi nên không được quyền hưởng tài sản. Hòa giải không thành, địa phương chuyển hồ sơ về Ban Quản lý dự án huyện, nhưng vụ việc chưa được giải quyết cụ thể. 

“Địa phương xác định rõ, tại thời điểm giao đất, 2 bà cháu ông Minh sống chung với nhau. Quyết định giao nền nhà là cho hộ bà Đẹt, chứ không phải cá nhân bà Đẹt. Hướng giải quyết của UBND xã là động viên, hòa giải 2 bên chia đều nền nhà, bởi hoàn cảnh hiện tại bên nào cũng khó khăn. Cách giải quyết này có thể giữ hòa khí trong gia đình, thân tộc. Tuy nhiên, hòa giải không thành do gia đình bà Mười không thống nhất” - ông Đỗ Minh Mẫn, cán bộ địa chính xã Tân Phú thông tin.                  

Bài, ảnh: K.N