Trau dồi đạo đức công vụ

23/07/2019 - 07:29

 - Hiện nay, trong bộ máy nhà nước vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (CBCC) - kể cả người giữ chức danh lãnh đạo các cấp - trách nhiệm chưa cao, còn lơ là nhiệm vụ, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm túc và còn gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân. Do đó, vấn đề về đạo đức và đạo đức công vụ trong CBCC đang được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân.

Giữa tháng 7 vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Học viện Hành chính quốc gia tổ chức buổi thông tin chuyên đề về đạo đức công vụ cho đại diện lãnh đạo và trưởng, phó các phòng (hoặc tương đương) của các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, UBND, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Hồng Yến khẳng định: “Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng trong các lĩnh vực. Trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung, CBCC nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chỉ tập trung chú ý vào lý luận chính trị, lãnh đạo quản lý, công tác chuyên môn, hơn là phẩm chất đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức công vụ nói riêng. Mặc dù trong đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn có nói về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, nhưng thời lượng còn ít, chưa chuyên sâu. Tỉnh cũng mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử, nhưng chủ yếu dành cho cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” các cấp, cơ quan tiếp công dân. Trong khi đó, đạo đức của CBCC không chỉ riêng ở tiếp công dân, mà phải gồm quy tắc ứng xử đối với cấp trên, cấp dưới, với công việc, đồng nghiệp và nhân dân. Đây là những giá trị chuẩn mực về đạo đức công vụ cần phải nắm để thực thi. Chính vì vậy, thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh mở các lớp bồi dưỡng về đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức công vụ nói riêng cho CBCC các cấp. Buổi học tập chuyên đề là hoạt động khởi đầu cho công tác này”.

Trách nhiệm với công việc là một biểu hiện của đạo đức công vụ

Từ những dẫn chứng trong cuộc sống cá nhân và xã hội, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu (Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính quốc gia) đã gợi mở rất nhiều điều liên quan đến đạo đức công vụ, nhà nước pháp quyền, quan hệ với nhân dân và quan hệ con người ngay trong cơ quan, đơn vị; sự gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu... Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, đạo đức công vụ chính là đạo đức của mỗi con người, không phải chuyện cao siêu. Đó là việc góp ý chân tình thay cho chửi mắng cấp dưới. Đó là việc phát biểu thẳng thắn, đóng góp xây dựng trong cuộc họp, thay vì nói sau lưng, nói bên ngoài cuộc họp. Đó là tinh thần đi họp vì trách nhiệm của bản thân đối với công việc, chứ không phải vì điểm danh. Đó là phải đúng giờ, thay cho việc họp vào 7 giờ 30 phút mà gần 8 giờ vẫn “chậm một tí”, “đủng đỉnh” uống cà phê. Đó là chú ý lắng nghe, tập trung tư duy trong từng hoạt động, thay cho việc thích xem điện thoại di động, nói chuyện riêng. Đó là mọi phát ngôn phải cẩn trọng, chính xác, tránh gây hiểu nhầm, hiểu không đầy đủ. Đó là phải nhìn lại xem bản thân có gì khác, có hy sinh, cống hiến nhiều hơn khi đã được vào Đảng, được thăng chức? Đó là câu chuyện “ngồi vừa ghế”, đặt “đúng người, đúng chỗ” trong quy trình tổ chức cán bộ...

“Tôi rất mong lãnh đạo các cấp trong tỉnh sẽ phát huy tốt đa những nét đạo đức vượt trội của người Việt và tính cách bộc trực, thẳng thắn của người dân Nam Bộ trong xây dựng, đấu tranh, chỉnh đốn Đảng; trong tận dụng ưu thế địa lý, địa chính trị, kinh tế... để phát triển tỉnh nhà. Đạo đức công vụ còn thể hiện ở tầm nhìn của từng cá nhân. Không nhất thiết phải làm lãnh đạo mới có tầm nhìn, mà mỗi CBCC phải luôn phát huy tinh thần “kiến tạo”, trăn trở cách làm để giúp địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển. Đôi khi phải biết hy sinh giữa việc tư và việc công, việc nhà và việc nước” - PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu bày tỏ khi kết thúc buổi nói chuyện.

Sau hoạt động “khởi đầu” liên quan đến đạo đức công vụ này, theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, người đứng đầu các đơn vị có vai trò trách nhiệm rất quan trọng. Mỗi người phải là tấm gương về đạo đức cho cấp dưới; chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử và kết quả công việc của CBCC thuộc thẩm quyền của mình. Tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình, ứng dụng vào thực tế chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ; giáo dục, bồi dưỡng cho CBCC đơn vị mình; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, giúp đỡ họ thực hiện đúng chuẩn mực, quy tắc. Học tập là quan trọng, nhưng ứng dụng vào thực tế càng quan trọng hơn. Không phải học là xong, mà phải luôn thường xuyên rèn luyện, trau dồi. Và hơn ai hết, chính người đứng đầu sẽ là người truyền cảm hứng đến CBCC cấp dưới, giúp họ ngày càng hoàn thiện về đạo đức công vụ.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích