Trẻ con vui Tết cổ truyền

28/02/2018 - 07:17

 - Những ngày nghỉ Tết cùng gia đình nhanh chóng qua mau, các bé phải trở lại trường học để cha mẹ bắt đầu công việc trong năm mới, nhưng niềm vui đón xuân vẫn còn đâu đó trong tâm tư các trẻ nhỏ. Bởi, trong cuộc sống hiện đại mà các em vẫn được tìm về những hình ảnh, âm thanh, sắc thái ngày Tết cổ truyền bao đời ấm áp, giản dị.

Ngày nay, hầu như các trường mầm non, tiểu học, THCS có điều kiện đều tranh thủ tổ chức các hoạt động vui xuân - đón Tết theo truyền thống, nhằm tái hiện không gian Tết xưa để các em nhỏ hiểu hơn về nét đẹp Tết của dân tộc. Đồng thời là dịp để học sinh, giáo viên và phụ huynh thêm gắn kết, sẻ chia, tạo niềm vui phấn khởi đón chào năm mới.

Đơn giản là những góc xuân với những tiểu cảnh như: chậu mai, nhành đào hay đầu tư hơn là những cảnh đẹp phức tạp như: rồng, lân, tranh ảnh trẻ con múa lân, đốt pháo giao thừa, gian hàng thiệp chúc xuân hay công phu hơn là những gian hàng ẩm thực với nhiều món ăn ngày Tết xưa kết hợp các món ăn vặt hiện đại.

Chị Phan Hà (nhân viên Mầm non Học viện Hoa Kỳ, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Cách dạy trẻ ở trường luôn chú trọng đến hoạt động thực tế. Do vậy, các sự kiện, lễ, Tết luôn là cơ hội để các bé trải nghiệm.

Vừa qua, trường đã tổ chức ngày hội xuân với nhiều gian hàng phong phú, với cách thức để bé trở thành những tiểu thương nhí, để bé nhận biết món ăn ngày Tết, biết cách mua bán, trao đổi và hơn hết là cảm nhận không gian chợ truyền thống ngày cuối năm.

Đặc biệt, với số tiền có được các em còn học cách sẻ chia, tích cóp để mua những phần quà Tết tặng người già cô đơn và trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố”.

 Gian hàng ẩm thực ngày Tết cho bé

Gian hàng ẩm thực ngày Tết cho bé

Những ánh mắt vui tươi, tiếng cười hồn nhiên của các bé đã được bắt gặp tại các gian hàng trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt bắt vịt, gói bánh tét, viết tranh thư pháp…

Với trẻ con đô thị, hình ảnh con gà, con vịt, con heo hãy còn khá lạ lẫm vì chỉ biết qua sách vở. Nay với việc tái hiện các trò chơi đã góp phần bổ sung kiến thức thực tế cho các bé.

Chị Khoa, phụ huynh học sinh lớp PS (Học viện Mầm non Hoa Kỳ) thích thú chia sẻ: “Nhờ hoạt động thực tế, bé nhà mình ngày càng năng động hơn.

Hôm đưa bé về quê nội tận vùng quê, bé rất thích thú khi ngắm từng đàn vịt bơi lội dưới dòng kênh, đuổi gà, cho cá ăn.

Bé còn thắc mắc tại sao ở trường cô giáo gói bánh tét tròn, dài mà nhà mình gói bánh hình vuông.

Mình đã giải thích ông bà mình quê gốc ở miền Bắc nên vẫn giữ tục gói bánh chưng, còn Tết ở miền Nam là gói bánh tét, hương vị bánh gần giống nhau, chỉ khác ở hình thức bên ngoài”.

Dạy trẻ cách gói bánh tét

Dạy trẻ cách gói bánh tét

Có nhiều bé lớn ban đầu còn tỏ vẻ khó chịu trong trang phục áo dài truyền thống nhưng đến những ngày Tết lại đòi cha mẹ mua thêm áo dài đủ màu sắc vì Tết ra đường ai ai cũng mặc áo dài, nhìn lên những bức ảnh đại gia đình thấy ông bà cũng mặc trang phục áo dài, khăn đóng làm các bé thêm hứng khởi.

Đặc biệt, với cách thức hướng dẫn các bé nhận lì xì và chúc Tết từ giáo viên, các em nhỏ đã hiểu đúng về tục lì xì và có cách ứng xử đẹp trong những ngày Tết.

Có phụ huynh chia sẻ, năm trước cha mẹ thật ngượng vì trẻ nhận lì xì xong là xem ngay bên trong có tờ tiền màu gì, lớn nhỏ, nay đã không làm vậy, biết cảm ơn, biết chúc Tết một vài câu, biết nhờ cha mẹ giữ dùm những phong lì xì may mắn.

Ngày nay, cách ăn Tết của mỗi gia đình khác xưa nhiều, những gam màu Tết ngày càng đa dạng. Nhưng không vì thế mà những sắc màu tạo nên ngày Tết truyền thống người Việt bị lãng quên.

Chỉ cần còn nhiều người yêu nét đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì bằng nhiều cách, những sắc thái, phong vị Tết xưa vẫn được gìn giữ và lưu truyền.

Bài, ảnh: TRÚC PHA