Trị cơn 'ăn vạ' của bé

11/01/2018 - 15:05

Có lẽ những ai đang làm cha mẹ đều biết, trẻ từ 12 tháng đến trên 3 tuổi thường hay... ăn vạ khi đòi cái gì đó mà không được người lớn đáp ứng ngay

Ăn vạ là hành vi phổ biến của các bé, chúng thường biểu hiện bằng cách gào khóc, nằm lăn ra sàn, nôn trớ… nhằm thu hút sự chú ý của người lớn. Trước những tình huống như vậy, người lớn thường sử dụng cách động viên, giải thích, dọa nạt, thậm chí đánh trẻ và nhiều lúc cảm thấy bất lực.

Tìm hiểu nguyên nhân

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của hiện tượng “ăn vạ” đôi khi là xuất phát từ những mong muốn không được đáp ứng nơi bé, nhưng thực chất nó lại xuất phát từ sự nuông chiều bé của bậc cha mẹ.

Khi bé đã quen được chiều chuộng rồi bỗng nhiên không được đáp ứng các mong muốn, bé nảy sinh ra hành động ăn vạ buộc cha mẹ phải chiều theo ý mình.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc bé ăn vạ là hành động tích cực thể hiện sự phát triển và cũng là một hành động giao tiếp của bé, tuy nhiên nếu như tình trạng ăn vạ của bé trở thành một thói quen thì thực sự không tốt cho sự hình thành nhân cách chút nào. Bởi ăn vạ thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng bé có thể “gây hấn”, chống đối với cha mẹ khi lớn lên.

Cách khắc phục

Trên thực tế thì trẻ có nhiều hình thức và cấp độ ăn vạ khác nhau. Nếu như trạng thái đó chỉ ở mức hờn dỗi thông thường do muốn làm một việc gì đó nhưng không tự làm được nên quay ra ăn vạ thì cách tốt nhất mà cha mẹ làm là hãy nói ra tâm trạng của con rồi ôm con vào lòng, như vậy trẻ sẽ hết giận dỗi.

Ví dụ như khi bé ngồi chơi với bộ đồ xếp hình, khi không tự xếp được, bé tức giận ném đồ chơi đi và hai chân thi nhau đập xuống đất.

Lúc ấy, cha mẹ hãy nhẹ nhàng đến bên và nhẹ nhàng hỏi han: “Con không tự xếp hình được à, vậy thì hãy ngồi đây, mẹ sẽ dạy cho con nhé!”. Lúc đó dù mắt đầy nước nhưng bé vẫn gật đầu đồng ý và thôi không hờn dỗi nữa.

Một cách khác cũng khá hiệu quả để ngăn cơn ăn vạ của trẻ, đó là "đánh lạc hướng". Có một sự thật là khi không nhìn thấy thứ gì đó thì trẻ sẽ không đòi.

Chính vì vậy, cha mẹ phải nắm bắt tâm lý và sở thích cũng như hoàn cảnh hiện tại để có thể tránh những cơn mè nheo, ăn vạ không đáng có của con.

Thực tế, không phải bé nào cũng thích nhỏ nhẹ và chấp nhận thỏa hiệp nhanh chóng. Một số trẻ thích cái gì là phải đòi cho bằng được, nếu không thì lăn đùng ra giãy giụa và la hét khiến cha mẹ vô cùng lo lắng.

Với những trẻ có cá tính mạnh mẽ như vậy, điều đầu tiên mà cha mẹ nên làm là cho con thấy sự cứng rắn của mình. Hãy thật bình tĩnh, dù ở nơi công cộng hay ở nhà, cha mẹ đều nên thể hiện rõ thái độ này.

Cố gắng nói to hơn tiếng gào của con, khi nói nhìn thẳng vào mắt con với một thái độ nghiêm túc: "Con muốn gì, hãy dừng khóc và nói rõ cho mẹ nghe. Nếu con cứ tiếp tục như vậy, mẹ sẽ không nói chuyện với con nữa đâu".

Nếu ở nơi công cộng, để tránh làm phiền người xung quanh, hãy cố đưa bé ra ngoài hoặc đến một chỗ nào ít người và để bé khóc trong khi bạn có thể bỏ đi hoặc làm việc khác. Bé thấy người bỏ đi, chắc chắn sẽ chạy theo vì sợ bị bỏ lại.

Nếu là ở nhà, cha mẹ hãy để bé đứng ra một nơi như một phòng riêng hoặc một chỗ nào đó không gây ảnh hưởng đến những người khác, quan sát cho tới khi bé đã chán việc khóc lóc thì hãy vào ôm con vào lòng dỗ dành và giải thích cho con hiểu.

Điều quan trọng nhất khi sử dụng phương pháp "lạnh lùng" này là cha mẹ phải đủ sự kiên nhẫn. Không chấp nhận thỏa hiệp vì khi con đã đòi được lần 1 thì chắc chắn sẽ có lần 2.

Nếu như ở nhà, rất có thể bạn cũng sẽ bị ông bà mắng là không chịu dỗ con khi con khóc, nếu ở nơi công cộng, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi ánh nhìn ái ngại của mọi người.

Tuy nhiên, hãy thật kiên định với lựa chọn của mình. Giải thích cho ông bà hoặc những người xung quanh hiểu điều bạn muốn làm và khi nó có tác dụng, hãy chỉ luôn cho họ xem để họ đồng tình trong cách dạy con của bạn.

Có một điều dễ thấy là khi bạn đã “chế ngự” được cơn giận dỗi, mè nheo của trẻ thì bạn nói gì trẻ cũng nghe lời răm rắp và tỏ ra rất biết chuyện.

Cách tốt nhất để trị những cơn “ăn vạ” của con chính là sự nhẹ nhàng và lòng kiên nhẫn của cha mẹ. Hãy dùng tất cả tình yêu thương để bạn có thể thủ thỉ, nói chuyện với bé.

Tuyệt đối không vì mất kiên nhẫn mà đánh con vì làm như thế trẻ sẽ trở nên lì lợm và khó bảo hơn. Hãy hỏi con chuyện vừa xảy ra và giải thích cho con hiểu là con không nên như thế. Chắc chắn con sẽ phần nào hiểu chuyện và trở nên đáng yêu hơn.

Theo TÙNG LÂM (Edu)