Tri Tôn “đất lành” thu hút đầu tư

08/02/2019 - 07:00

 - Dù là huyện nghèo của tỉnh nhưng tiềm năng phát triển của Tri Tôn còn rất lớn. Trong khi nhiều địa phương khác gần như bão hòa về sản xuất nông nghiệp thì với lợi thế đất rộng, người thưa, huyện Tri Tôn có nhiều thuận lợi trong triển khai tập trung ruộng đất, phục vụ canh tác lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Tri Tôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp khi triển khai đầu tư công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập của nông dân.

Điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn

An Giang vừa tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút hơn 135.000 tỷ đồng thực hiện chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây là số vốn thu hút lớn nhất so với những hội nghị xúc tiến đầu tư ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó, nhiều nhà đầu tư lớn đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Tri Tôn, nơi còn nhiều tiềm năng chưa khai thác cùng lợi thế về đất đai.

Trong 10 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh trao chủ trương đầu tư vào lĩnh nông nghiệp (tổng vốn 16.126 tỷ đồng), có 3 dự án được doanh nghiệp lựa chọn đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn, với tổng vốn 3.210 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia quyết định đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Tuyến với quy mô 500ha, tổng vốn 2.000 tỷ đồng. Đối với Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc An Giang (thành viên Tập đoàn Tân Long), tuy quy mô sử dụng đất ít hơn (16ha) nhưng tổng vốn đầu tư Nhà máy Chế biến gạo xuất khẩu tại xã Lương An Trà lên đến 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dầu khí Nam Sông Hậu đầu tư vào Khu phức hợp sản xuất lúa hữu cơ và cụm kho bảo quản với quy mô 65ha, tổng vốn 110 tỷ đồng.

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư An Giang 2018, Dự án đầu tư phát triển bò sữa do lãnh đạo Tập đoàn TH ký cam kết đầu tư với Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho huyện Tri Tôn. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Cùng với đầu tư trang trại 100ha, Tập đoàn TH còn xây dựng vùng nguyên liệu lõi 900ha, thực hiện 3.000ha liên kết trồng nguyên liệu với nông dân, hợp tác xã, đối tác doanh nghiệp. Đây được xem là cơ hội vực dậy lợi thế đàn bò của huyện Tri Tôn theo hướng tăng giá trị, tạo thu nhập ổn định cho người dân tham gia liên kết cũng như tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Khi triển khai đầu tư, những tập đoàn, doanh nghiệp lớn với thế mạnh về vốn, kỹ thuật - công nghệ hiện đại, có uy tín, thương hiệu như trên sẽ có đóng góp lớn cho sự phát triển của huyện Tri Tôn, đặc biệt là khai thác được những tiềm năng lâu nay vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức.

Tri Tôn “đất lành” thu hút đầu tư

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt trao bằng công nhận xã Tà Đảnh đạt chuẩn nông thôn mới

Chăm lo đời sống nhân dân

Năm 2018, tổng giá trị sản xuất (GO) của huyện Tri Tôn (đối với một số ngành hàng, giá so sánh 2010) ước tăng 5,3% so năm 2017. Kết quả này tuy chưa đạt kế hoạch đề ra (GO tăng 6,42%) nhưng bù lại, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình ước đạt gần 37 triệu đồng/người/năm, cao hơn kế hoạch (36,015 triệu đồng/người/năm). Sức mua sắm của người dân cao khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện năm 2018 tăng 13,49%. Các hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, giáo dục, y tế và an sinh xã hội tiếp tục triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cùng với 2 xã Vĩnh Gia và Tà Đảnh đạt chuẩn nông thôn mới, xã Cô Tô đạt đô thị loại V. Trong số những xã còn lại, không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt 14 tiêu chí (Lương Phi, Tân Tuyến, Lương An Trà).

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, năm 2018, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 4% nhưng do còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo được 2,95% (đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 12,63%). Nguyên nhân do tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer còn thấp, hộ phát sinh nghèo mới cao, phần lớn hộ thoát nghèo đều nằm trong chuẩn cận nghèo và có nguy cơ tái nghèo. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng địa phương nỗ lực huy động học sinh đi học trong độ tuổi đạt kế hoạch (mẫu giáo 5 tuổi đạt 99%, tiểu học 94%, THCS 77%). Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo sức khỏe người dân được địa phương quan tâm khi tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 97,17%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn bình quân của tỉnh (81,5%); tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,96%, sử dụng điện đạt 90,52%, đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Huyện còn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chi trả chế độ ưu đãi thường xuyên và chăm lo gia đình người có công.

Tại các xã: Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến, các ngành cùng với địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình giảm nghèo bằng cách thành lập “Tổ hợp tác máy phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp”. Ở các xã: Lương Phi, Lương An Trà, Cô Tô, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc, đã mở được 8 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trong năm 2018, thu hút 330 lao động nông thôn tham gia. Các ngành huyện Tri Tôn còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho 151 lao động làm việc trong tỉnh, 10.268 lao động làm việc ngoài tỉnh.

Tri Tôn “đất lành” thu hút đầu tư

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khảo sát công tác ứng phó lũ ở Tri Tôn

Hướng đến phát triển bền vững

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, năm 2019 là năm thứ 4 của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 2016-2020. “Nhiệm vụ của năm 2019 là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Từng ngành, từng cấp phải xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả, tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức từ hội nhập để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019” - ông Sương thông tin.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, việc triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn. Vì vậy, đòi hỏi Tri Tôn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, phấn đấu đạt những bước tiến mới để phát triển nhanh và bền vững. “Với thế mạnh nông nghiệp và tiềm năng về đất đai, huyện sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, giúp tăng thu nhập bình quân, nâng cao đời sống nhân dân” - ông Sương phân tích.

Tri Tôn “đất lành” thu hút đầu tư

Lãnh đạo Tập đoàn TH ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư với Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh về Dự án đầu tư phát triển bò sữa tại Tri Tôn

Việc tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo nền tảng để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Qua đó, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lao động, cảnh quan thiên nhiên và các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội. “Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch - thương mại, kinh tế biên giới là nhiệm vụ có tính đột phá cần phải tập trung thực hiện nhằm kéo theo các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, Tri Tôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, dịch vụ” - ông Sương nhấn mạnh.

Năm 2019, Tri Tôn đặt mục tiêu GO tăng 5,93% so với năm 2018, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 40,8 triệu đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng 12,03%. Huyện cũng phấn đấu 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 86,6% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 97,1% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, phấn đấu giảm 4% số hộ nghèo theo chuẩn mới (còn 8,63%). Phấn đấu trong năm 2019, có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 9-14 tiêu chí...

NGÔ CHUẨN