Tri Tôn tập trung hoàn thành nhiệm vụ năm 2018

03/07/2018 - 07:29

 - Những dấu hiệu khởi sắc của giá lúa, heo hơi… đã góp phần tạo nên bức tranh sáng về phát triển kinh tế ở địa bàn có diện tích đất nông nghiệp lớn như Tri Tôn. Cùng với đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Nông dân phấn khởi

Sau vụ đông xuân “trúng mùa, được giá”, những nông dân thu hoạch lúa hè thu sớm trên địa bàn huyện Tri Tôn phấn khởi khi giá lúa tiếp tục được duy trì ở mức cao. “Mùa lũ 2017 gần kết thúc, tôi tranh thủ bơm nước ra khỏi ruộng để xuống giống sớm vụ đông xuân 2017-2018, thu hoạch được 900kg/công tầm cắt (gần 1.300m2/công, tương đương 6,9 tấn/ha). Thương lái vào ruộng thu mua lúa tươi giá 5.300 đồng/kg (giống IR50404), trừ chi phí còn lời khoảng 2,7 triệu đồng/công. Sau khi cày ải, phơi đất, tôi tiếp tục xuống giống sớm vụ hè thu 2018, vừa thu hoạch đạt 750kg/công tầm cắt. Lần này, giá lúa IR50404 tươi lên mức 5.600 đồng/kg, tính ra bán được 4,2 triệu đồng/công, trừ chi phí còn lời khoảng 2 triệu đồng/công. Tôi làm lúa 20 năm nay, đây là vụ hè thu đầu tiên có lợi nhuận tốt như thế” - nông dân Trần Văn Dư (xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) vui mừng.

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương trao Giấy khen cho các cá nhân đóng góp xây dựng nông thôn mới

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, địa phương đang đạt thắng lợi cả về diện tích, năng suất lẫn giá bán. Tổng diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân và hè thu đạt 83.810,3ha (đông xuân 40.910,3ha, hè thu 42.900ha), tăng 407ha so cùng kỳ; hoa màu đạt 3.015ha (tăng 52ha). Kết thúc vụ lúa đông xuân, năng suất bình quân ước đạt 6,81 tấn/ha, tăng 0,48 tấn/ha so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 278.581 tấn.

Cùng với cây lúa, Tri Tôn triển khai thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã có Trang trại bò SD (xã Vĩnh Gia) đang nuôi 385 con, 2 trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH DV TM XNK Hoàng Vĩnh Gia (liên kết Công ty Cổ phần CP, có khoảng 1.600 con, dự kiến nhập thêm đợt mới) và Công ty Cổ phần Việt Thắng (hiện nuôi 7.238 con, gồm 5.900 con heo thịt, 1.338 heo giống, nái sinh sản, dự kiến tiếp tục mở phân trại thứ 2 tại xã Lương Phi với diện tích 10ha).

Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã xuống giống được 76,5ha cây dược liệu (chủ yếu là tần dày lá, đinh lăng, đu đủ lấy mủ, thiền liền đen, nghệ vàng...). Huyện đã chuyển đổi 305,1ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, triển khai các mô hình trồng rau an toàn, ứng dụng các hệ thống tưới tiên tiến. Đối với cây ăn trái, đã phát triển được 233ha chuối cấy mô (Công ty Vĩnh Phát 140ha, Công ty SD 51ha, Công ty Chuối Việt 42ha) và các loại cây ăn trái khác như: xoài, nhãn (359ha), được sử dụng phương pháp nhân giống vô tính, thử nghiệm hệ thống tưới nhỏ giọt...

Không lơ là nhiệm vụ

Theo Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương, dù đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung, kinh tế - xã hội (KT-XH) huyện vẫn còn nhiều khó khăn. UBND huyện yêu cầu lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, xã, thị trấn phải không ngừng nỗ lực, phân công rõ trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kết hợp động viên, khen thưởng với phê bình, xử lý kỷ luật để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, UBND huyện yêu cầu tăng cường tuyên truyền, khuyến khích nông dân sử dụng những giống lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn thú y, thủy sản nhằm đảm bảo vệ môi trường, chất lượng. Bên cạnh đó, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển đàn bò theo hướng chất lượng cao.

Bên cạnh phát huy lợi thế nông nghiệp, Tri Tôn còn đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và khai thác trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, chú trọng các ngành, nghề mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Thực hiện tốt chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, có khả năng cạnh tranh thị trường. Đồng thời, phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sâu, vùng xa; chỉnh trang, sắp xếp, bố trí lại các chợ để khai thác có hiệu quả; tăng cường công tác quản lý thị trường góp phần ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại...

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN