Tri Tôn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo

21/08/2019 - 06:46

 - Những năm qua, công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành huyện Tri Tôn quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nhiều giải pháp được thực hiện

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, những năm qua, huyện Tri Tôn đã tập trung các nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Trong đó trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 4%), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tri Tôn đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tổ chức 13 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện trên 2,3 tỷ đồng cho 319 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 84 hộ là đồng bào DTTS. 

Phòng LĐ-TB&XH còn thực hiện chính sách hỗ trợ cho 332 hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng (213 hộ nghèo là đồng bào DTTS). Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền điện cho 17.610 hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội, tổng kinh phí 9,1 tỷ đồng; cấp 154.779 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo (trong đó có 89.378 lượt thẻ cho đồng bào DTTS, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 53 tỷ đồng). Song song đó, cuộc vận động Ngày vì người nghèo được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân... qua đó quỹ đã vận động tiền và hiện vật quy ra tiền trên 35,5 tỷ đồng.

Về thực hiện công tác đào tạo nghề, xuất phát từ nhu cầu lao động và các chính sách ưu đãi, đã ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề mở 63 lớp, với sự tham gia của 1.880 học viên (trong đó có 850 lao động là đồng bào DTTS). Phối hợp các ngành liên quan tổ chức tư vấn ngành nghề phổ thông, nghề truyền thống cho người lao động, qua đó đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho 22.172 lượt lao động (đạt 123% so với chỉ tiêu). Đối với xuất khẩu lao động, thời gian qua, đã hỗ trợ cho 17 lao động làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH còn phối hợp thực hiện các chính sách miễn, giảm các khoản phí đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, hộ chính sách… Đồng thời, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp bậc THCS; thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế…

Tri Tôn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo

Nhiều chính sách hỗ trợ con em hộ nghèo có điều kiện tiếp bước đến trường

Hiệu quả công tác giảm nghèo

Với việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tri Tôn nói chung, đồng bào DTTS nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tính từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,81% xuống còn 12,45%; số hộ nghèo giảm từ 6.323 hộ xuống còn 4.198 hộ (trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 33,49% xuống còn 22,82%).

Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu đều được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa của người dân. Các công trình trạm y tế được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở. 100% đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhà ở của bà con đồng bào DTTS được xây mới và sửa chữa khang trang; bà con nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên số hộ khá giả ngày một tăng, nhiều hộ trở thành tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới… 

Ông Chau Kôk (ngụ ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) cho biết, trước đây gia đình ông canh tác 2ha lúa nhưng lợi nhuận không cao. Nhận thấy nhu cầu thị trường, đặc biệt là về các loại cây ăn trái, nông sản sạch nên ông đã mạnh dạn chuyển đổi 0,55ha đất ruộng làm lúa sang trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài và các loại rau màu... Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại hiệu quả cao. “Hàng năm, lợi nhuận từ sản xuất lúa, cây ăn trái và các loại rau màu của gia đình tôi khoảng 130 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích trồng cây ăn trái, tôi chăn nuôi thêm gà thả vườn, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi ngày càng được cải thiện, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định” - ông Chau Kôk tâm sự.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN