Trí tuệ nhân dân và tầm vóc văn kiện

13/05/2019 - 15:32

Thời gian qua, đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thành viên tiểu ban dẫn đầu đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho công tác chuẩn bị văn kiện đại hội. Điều này thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của các thành viên tiểu ban, nhằm bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công việc, chương trình công tác.

Mục tiêu đặt ra là sớm có bản dự thảo các văn kiện, gửi Đại hội Đảng bộ các cấp thảo luận, đóng góp ý kiến.

Hưởng ứng tinh thần, trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội... đã nghiêm túc thảo luận các vấn đề đặt ra, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc; làm cơ sở để Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu, cụ thể hóa vào dự thảo các văn kiện trình đại hội.

Thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng, các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi sự kiện chính trị quan trọng này. Qua các buổi làm việc, những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được thông tin rộng rãi đến nhân dân, qua đó càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và phát huy tối đa trí tuệ nhân dân tham gia vào công việc của Đảng.

Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến được tổ chức vào quý I/2021, đúng thời điểm tròn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Đại hội XIII của Đảng sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước, của dân tộc, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Với ý nghĩa chính trị sâu sắc, có thể thấy việc chuẩn bị dự thảo văn kiện trình đại hội cần phải được tiến hành khoa học, chất lượng. Quá trình xây dựng các văn kiện cũng là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và bổ sung vào lý luận của Đảng.

Do vậy, trong thời gian phục vụ công tác chuẩn bị văn kiện, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cần nghiêm túc chuẩn bị kỹ lưỡng báo cáo tổng kết thuộc lĩnh vực phụ trách, nhất là báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Báo cáo làm rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra bài học kinh nghiệm làm nền tảng đưa ra giải pháp, định hướng lớn trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cần khẳng định và làm rõ những chủ trương, chính sách được thực tế chứng minh là đúng đắn, phù hợp; đồng thời đề xuất các nội dung cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và mọi tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện cần đẩy mạnh thực hành dân chủ để khơi dậy và huy động được trí tuệ tập thể.

Bên cạnh sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, cần đặc biệt khơi thông được “dòng chảy trí tuệ” từ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhân dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc đa dạng hóa các kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp. Phát huy dân chủ, đồng thời cần có sự chọn lọc, kế thừa, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là với những vấn đề mới, vấn đề khó để các văn kiện vừa tổng kết đầy đủ thực tiễn, vừa bổ sung, phát triển lý luận, có định hướng, tầm nhìn dài hạn và thực sự mang tầm vóc trí tuệ của toàn dân tộc./.

Theo MINH MẠNH (Quân đội nhân dân)