Triển vọng từ trồng nấm bào ngư xám

12/12/2018 - 07:38

 - Mặc dù chỉ mới thử nghiệm trong vòng 1 năm, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư xám của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi, Châu Thành) có nhiều tiềm năng phát triển. Điều này mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho những gia đình không có nhiều đất canh tác, ít thời gian chăm sóc.

Nhẹ công chăm sóc

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng canh tác lúa, trồng dưa leo. Sau nhiều vụ dưa leo rớt giá, gia đình ông rất muốn tìm loại cây trồng khác để sản xuất. Được đi tham quan nhiều mô hình trồng nấm bào ngư xám trong và ngoài tỉnh, nhận thấy đây là mô hình hay, có thể mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với điều kiện sức khỏe nên ông bắt đầu xây dựng trại để tập trung phát triển mô hình này. Ông Hồng cho biết: “Biết đến mô hình trồng nấm bào ngư khá lâu, sau khi tìm hiểu kỹ thuật, thời gian đầu gia đình tôi đầu tư 5.000 bịch phôi giống để trồng thử nghiệm. Vụ đầu tiên, do mua phôi giống không đạt chất lượng nên bị bệnh, thiệt hại khoảng 1.000 phôi. Tuy nhiêu, sau khi bán, nhận thấy lơi nhuận mang lại khá cao nên gia đình tôi cất thêm trại, trồng thêm 5.000 bịch phôi, nâng số lượng phôi giống tại nhà lên 10.000”.

Trồng nấm bào ngư không sử dụng phân bón, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

Theo ông Hồng, trồng nấm bào ngư có 2 cách, chủ yếu là chất phôi lên kệ và treo bằng dây. Cách nào cũng có cái hay riêng nhưng ông chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm gỗ hoặc thép, cao từ 1,6-1,8m. Mỗi kệ có thể chất 5 lớp phôi. Về nhà trại thiết kế phải tuyệt đối sạch sẽ, tránh xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nguồn nước tưới phải khử phèn, nhà trồng che chắn kỹ, bao lưới tuyệt đối chắn được côn trùng... Còn về kỹ thuật, ông Hồng cho biết, trồng nấm bào ngư không khó, kỹ thuật trồng rất đơn giản, nhẹ công chăm sóc, nhưng cần sự tỉ mỉ, siêng năng của người làm nghề. Quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường... Để duy trì nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, gia đình ông Hồng tưới 3-4 lần mỗi ngày, thời gian tưới 3-5 phút.

Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch phải vệ sinh nắp phôi nhằm hạn chế các loại bệnh gây hại. “Bệnh trên nấm bào ngư xám chủ yếu là mốc đen, mốc xanh, mốc cam. Các loại bệnh này không phải do môi trường, chủ yếu là do meo và phôi nấm nên trong quá trình trồng cần phải lựa chọn những nhà cung ứng uy tín, chất lượng” - ông Hồng cho biết.

Thu nhập ổn định

Những năm gần đây, nhiều nông dân có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước nhờ trồng nấm bào ngư xám. Hiện nay, mặt hàng này luôn “cháy hàng”, vì vậy giá cả ổn định, điều đó đã giúp nhiều nông dân đầu tư mô hình và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, quá trình sản xuất nấm bào ngư xám theo mô hình khép kín là không dùng hóa chất để cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư tiêu thụ khá mạnh và giá cả ổn định. Giá bán khoảng 30.000 đồng/kg. Với 2 nhà nấm, ông Hồng trồng trên 10.000 bịch phôi. Chi phí đầu tư khoảng 5.000 đồng/bịch. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch, trừ chi phí, mỗi bịch phôi thu lợi nhuận khoảng 4.000 đồng.

Với hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư xám của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng mang lại, nhiều nông dân trên địa bàn xã tìm đến học tập, trao đổi kinh nghiệm và được ông nhiệt tình hướng dẫn. Ông Hồng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại để phát triển loại cây trồng đầy tiềm năng này. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự đánh giá, mô hình trồng nấm nói chung và nấm bào ngư xám nói riêng phù hợp với điều kiện của bà con vùng nông thôn, vì dễ trồng và dễ chăm sóc, không phải tốn nhiều diện tích, phù hợp với nhiều độ tuổi lao động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám là chi phí đầu tư xây dựng nhà trồng. Ngoài ra, thời gian trồng khá lâu kéo dài 5-6 tháng, nên để mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân phải canh tác trên diện tích lớn, đồng nghĩa với chi phí bỏ ra lớn hơn.

ĐỨC TOÀN