Triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”

18/10/2019 - 14:49

Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá phức tạp. Cơ quan Công an đã mở nhiều đợt cao điểm trấn áp nên các đối tượng co cụm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp và có biểu hiện tái diễn. Các nhóm hoạt động “tín dụng đen” dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty, băng nhóm, cá nhân…

Chiều 23-9, cơ quan Công an phát hiện Lê Văn Tuấn (SN 1993, ngụ tỉnh Nghệ An) điều khiển xe máy biển số: 37M1-230.22 thu tiền góp của một số hộ dân tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tuấn thừa nhận rải tờ rơi trên các tuyến đường, khi nào có người liên hệ thì đến làm thủ tục cho vay từ 1-10 triệu đồng. Nếu vay 10 triệu đồng, Tuấn giao 9,5 triệu đồng và người vay phải nộp 500.000 đồng/ngày trong vòng 25 ngày. 

Tuấn hoạt động ở địa bàn Trà Vinh vào khoảng năm 2016, sau đó di chuyển đến nhiều nơi như Hà Nội, Bình Dương. 2 tuần trước khi bị phát hiện, Tuấn quay lại Trà Vinh gom nợ thì bị phát hiện.

Công an Trà Vinh mạnh tay xử phạt những đối tượng đòi nợ bằng hình thức đe dọa như: ném chất thải, chất bẩn, quẹt sơn lên tường nhà; xử phạt 27 trường hợp, với số tiền 109 triệu đồng về các hành vi như: xâm hại sức khỏe, hủy hoại tài sản, ném chất bẩn vào nhà người khác, quảng cáo cho vay tiền. Giáo dục, răn đe, buộc cam kết 13 lượt công ty, 240 lượt cá nhân có liên quan. 

Bên cạnh đó, Công an Trà Vinh biên soạn, cấp phát 500 quyển tài liệu tuyên truyền về phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”; gắn 1.150 bảng số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời tố giác. 

Cường và Loan bị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng.

Nhiều chủ nhà trọ, chủ sở hữu nhà, đất đã cắt hợp đồng không cho các đối tượng hoạt động cho vay thuê hoặc lưu trú. Nhờ vậy, nhiều người dân có nhu cầu vay hoặc đang vay vốn đã từ bỏ tiếp cận hình thức “tín dụng đen”. 

Ngoài ra, Công an Trà Vinh phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, tạo điều kiện cho 1.702 hộ khó khăn, hộ nghèo được vay vốn lãi suất thấp.

Đại tá Phan Thanh Quân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, tăng cường tuyên truyền, quản lý chặt chẽ các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ thuê.

Vừa qua, Công an TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường (SN 1979) và Lê Thị Loan (SN 1977, cùng ngụ xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng). 

Cả hai khai nhận từ năm 2018 đã đến Vĩnh Long và cho vay tiền với lãi suất 30%/tháng. Cường và Loan bị bắt khi đang nhận 24 triệu đồng tiền lãi từ anh Nguyễn Minh T. (SN 1981, ngụ phường 3). 

Theo lời anh T., 24 triệu đồng trên là tiền lãi trong 6 ngày của khoản vay 400 triệu đồng. Sau thời gian vay tiền, anh T. đã trả lãi gần 400 triệu đồng.

Tại Đồng Tháp, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân các thủ đoạn khác nhau của các nhóm cho vay “tín dụng đen”. 

Người dân không tiếp cận, vay tiền từ quảng cáo dịch vụ qua danh thiếp điện thoại, tờ rơi, các mẫu quảng hoặc vay tiền trực tuyến trên mạng… Khi bị đe dọa về tinh thần hoặc tính mạng, người dân liên hệ ngay với cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết.

Công an TP Cần Thơ đã rà soát, thống kê, phân loại các đối tượng cho vay lãi nặng, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê núp bóng doanh nghiệp. Các nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” từ địa phương khác đến thành phố bị bóc gỡ, triệt phá quyết liệt nên co cụm không dám hoạt động công khai. 

Một số đối tượng chuyển sang địa phương khác nhưng hoạt động này vẫn tiềm ẩn phức tạp và có biểu hiện tái diễn. 

Cơ quan chức năng đưa vào diện quản lý 2 công ty, 2 văn phòng đại diện, có 25 nhân viên kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, 7 công ty với 28 đối tượng, 10 nhóm 54 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi.

Theo Công An Nhân Dân