Trịnh Công Sơn và Khánh Ly: Những sự thật lần đầu công bố

03/08/2018 - 19:41

Trịnh Công Sơn sinh ra để dành cho Khánh Ly hay Khánh Ly sinh ra để dành cho Trịnh Công Sơn? Một câu hỏi mãi mãi là bí ẩn của tạo hóa, chỉ biết rằng, trong âm nhạc, họ sẽ không bao giờ tách rời từ lúc biết nhau cho đến mãi về sau.

Không ngừng những tò mò. Những giai thoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Và bên cạnh những câu chuyện đời sống bí ẩn, ít ai biết vì sao Khánh Ly có vị trí bất biến trong văn hóa Trịnh Công Sơn. Và cũng không ai có thể phá vỡ bức tượng thân này trong lòng người ái mộ.

Khánh Ly, trong một lần trò chuyện với truyền thông đã nói đại ý rằng, Trịnh Công Sơn và các tác phẩm của ông vốn có vị trí quan trọng trong trái tim công chúng và đời sống nghệ thuật Việt Nam, dù bà hoàn toàn không xuất hiện. Nhưng nếu không có Trịnh Công Sơn, sẽ không có một Khánh Ly được thừa nhận và thành công. Danh ca nói về Trịnh Công Sơn cùng hàm ý sự biết ơn, trân quý vì đã tạo nên một hình hài với thân phận đặc biệt là Khánh Ly, không phải là Lệ Mai như đã từng tồn tại.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mãi là tri âm, tri kỷ trong âm nhạc

Khánh Ly rất ít nói về Trịnh Công Sơn. Và lần nào cũng kiệm lời, chỉ hé lộ một chút xíu nhưng đủ hấp dẫn. Khánh Ly tạo ra một cuộc phiêu lưu và dẫn người ta vào ma trận quan hệ của hai người, rồi thản nhiên bước ra, bỏ mặc công chúng giữa những đồn đoán, tình yêu dành cho nhạc Trịnh. Chuyến đi ấy, hiện chưa dừng lại, góp phần tạo nên sức sống tươi mới của nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly trong đời sống đương đại, bất biến.

Trong lịch sử tân nhạc thế kỷ 20, nhạc Trịnh nên được coi là di sản nghệ thuật đặc biệt bậc nhất. Đến nay, dù những biến động của đời sống khiến người ta bất ngờ sau một cái chớp mắt thì khối di sản ấy vẫn kiên cường len lỏi và khẳng định chỗ đứng với thế hệ người Việt trẻ.

Trịnh Công Sơn từng được báo chí Mỹ gọi là Bob Dylan Việt Nam, người đã từng nhận giải thưởng nobel về âm nhạc bởi tác phẩm của ông có nhiều yếu tố tạo nên sự bất hủ. Với 600 ca khúc, Trịnh ca hay đồng đều trên cả hai mảng chính trước đây là tình ca và phản chiến, trên cả ba chủ đề xuyên suốt là thân phận, quê hương và tình yêu. Ca khúc nào cũng được viết giản dị nhưng đều là những giai điệu vút lên từ tâm can máu huyết, nên ca khúc nào cũng là một mảnh hồn Trịnh, một ký thác Trịnh. Nó khiến cho ai đã yêu ông dường như đều phải yêu đủ, yêu trọn. Và thật khó khăn khi phải nói 'không' với ca khúc nào đó".

Sức mạnh đặc biệt của nhạc Trịnh mang đến một khái niệm buộc phải thừa nhận rằng thực tế đã có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Ông cùng tác phẩm của mình ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt".

Và trong không gian văn hóa ấy, Khánh Ly là mảnh ghép quan trọng nhất, thong rong giữa đời sống này mặc kệ những luận bàn cũ mới về cách người đương thời hành xử với nhạc Trịnh.

Thực tế, sự gắn bó số phận giữa Khánh Ly, Trịnh Công Sơn và tác phẩm của ông là chất xúc tác để những giai thoại về họ trở nên hấp dẫn công chúng. Nhưng có một sự thật ít người biết đến lý do Khánh Ly là dấu ấn đặc biệt nhất và không thể thay thế trong Trịnh ca và văn hóa Trịnh Công Sơn. Cũng vẫn là Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lời khen đầy mỹ cảm. Ông nói, qua tiếng hát Khánh Ly sương khói trần gian cứ bay đi, và một chút thiên thu còn mãi.

Không có ai phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng hát Khánh Ly trong sự diễn đạt những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Tiếng hát, giọng hát và cách hát của Khánh Ly hoàn toàn ăn khớp với những bài tình ca đó: vừa đủ gợi cảm, vừa đủ buồn, mà vẫn không sướt mướt. Giọng hát Khánh Ly liên tục trong tiếng hát. Các câu chữ cuốn theo nhau, không ngừng nghỉ, cuồn cuộn như một dòng chảy.

Thần lực trong giọng hát Khánh Ly đã cho bà hát rõ mọi nỗi niềm mà Trịnh Công Sơn gửi vào từng nốt, từng chữ ở ca khúc. Bởi vậy, ai cũng biết giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không có chuyện tình ái, nhưng nếu bảo họ chỉ là bạn bè thì ai cũng nghĩ đó phải là một cái tình sát gần hơn là tình bạn. Câu chuyện của họ cứ như câu chuyện liền anh, liền chị của miền quan họ. Rất thân thương nhau nhưng lại không thành tình ái. Hình như cái luật ấy, khiến các liền anh, liền chị trút hết cả cảm xúc vào giọng hát. Cái éo le đó chính là nguồn năng lượng tạo nên tầm vóc của cặp bài trùng huyền thoại này.

Khánh Ly là mảnh ghép quan trọng nhất trong văn hóa nhạc Trịnh

Và cứ thế, số người nghe giọng hát Khánh Ly cứ tăng vô hạn theo thời gian. Bà cũng thuộc dòng ca sĩ “Không tuổi”. Đến tận năm nay 74 tuổi vẫn còn hát khiến bao con tim rung động.

Khánh Ly từng nói: “Điều tôi cần trong đời sống này không phải là tiền, cũng chẳng phải là danh mà là tình thương”. Điều bà cần, đến nay bà đã có. Hạnh phúc đó, cả bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng gửi trao cho nhau và đã được khán giả gửi lại trọn vẹn bằng những tin yêu. Show diễn nào của Khánh Ly trên dải đất quê hương cũng đều chật ních khán giả. Nó khiến người ta nhớ lại hình ảnh Khánh Ly “nữ hoàng chân đất” của những năm tháng cũ. Khánh Ly cùng khán giả hát những bản tình ca trong không gian của lòng yêu và sự đồng cảm như những người bạn vong niên. Live concert Như một lời chia tay vào 12 và 15-8 tới đây tại Hà Nội của Khánh Ly cũng sẽ là một bước khởi đầu mới cho những dự định tốt đẹp. Khánh Ly gác lại quá khứ, bằng đêm nhạc này, một lần nữa muốn cảm tạ Hà Nội, cảm tạ quê hương Việt Nam bằng tất cả ruột gan và tấm chân tình của mình. Cũng bắt đầu từ mảnh đất cố đô này, Khánh Ly từng nói lời chia tay và luôn mong ngày tái ngộ. Khán giả của danh ca, của nhạc Trịnh lại đang rủ rỉ vào tai nhau hẹn ngày tái ngộ cùng vùng trời kỷ niệm mùa thu.

Theo MINH KHANG (Báo Công Lý)