Trồng rau bán Tết

09/01/2018 - 08:00

 - Thời điểm này, nông dân (ND) chuyên canh rau màu đang tất bật chăm sóc các loại rau xanh, như: cải xanh, cải ngọt, hành, ngò, diếp cá… để bán Tết. So với thời điểm khác trong năm, vụ đông xuân này hứa hẹn mang lại năng suất cao cho bà con ND.

Thời tiết thuận lợi

Khoảng đầu tháng 11 (âm lịch) là gia đình ông Nguyễn Văn Hai (xã Bình Thủy, Châu Phú) lại tất bật xuống giống, trồng rau màu để bán trong dịp Tết. Năm nay, ông Hai chuyển sang canh tác theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng.

Hiện, diện tích đất của gia đình ông Hai đã được trang bị nhà lưới, với hệ thống tưới nước tự động, áp dụng kỹ thuật mới như: sử dụng phân hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và có thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch… từ đó giúp chi phí sản xuất giảm đi rất nhiều.

“Vụ này, gia đình tôi trồng 2,5 công cải tùa xại và các loại rau ăn lá khác như: cải ngọt, xà lách, ngò, rau tần ô... Hiện nay, giá cả các mặt hàng này đang ở mức cao. Hy vọng, giá cả tiếp tục ổn định để chúng tôi vui vẻ đón Tết” - ông Hai kỳ vọng.

Cũng như ông Hai, ông Nguyễn Quốc Khanh (xã Bình Thủy) đang tất bật chăm sóc vườn rau của gia đình. Là một trong những ND có kinh nghiệm, ông Khanh cho biết, gieo trồng vào thời điểm này có nhiều thuận lợi như: thời tiết, cây phát triển tốt, ít bị thiệt hại, chi phí đầu tư thấp... Tuy nhiên, theo ông Khanh, mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng giá cả các mặt hàng nông sản vụ này thường thấp hơn so với vụ trước.

“Từ 15-30 tháng Chạp, giá các loại rau cải thường thấp, bằng một nửa so với bình thường. Từ sau Tết giá mới bắt đầu tăng trở lại. Do giá thấp, nên ND rất e ngại, không dám mở rộng diện tích sản xuất” - ông Khanh thông tin.

Diện tích gieo trồng giảm

Cũng như xã Bình Thủy (Châu Phú), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) là địa phương có thế mạnh về sản xuất rau, đặc biệt là rau an toàn. Tuy nhiên, vụ đông xuân này, diện tích trồng rau màu giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do ND chuyển đổi một phần diện tích đất trồng rẫy để chuyển sang trồng hoa, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Ông Trần Văn Chung (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng) cho biết, gia đình ông đang canh tác 1.500m2 đất ruộng, trong đó chỉ giữ lại khoảng 100m2 để trồng rẫy, còn lại chuyển sang trồng hoa thọ và hoa cúc.

Ông Chung chia sẻ: “Rau màu dịp Tết thường hay mất giá trong khi các loại hoa, nhất là hoa thọ và hoa cúc rất hút hàng, bán được giá nên lợi nhuận vì thế cũng tăng cao hơn. Ở đây, hầu như ai cũng chuyển sang trồng hoa, riêng trồng màu thì vẫn giữ nhưng với số lượng vừa phải, đảm bảo nguồn cung cho thị trường”.

Theo anh Huỳnh Ngọc Diện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, trong vụ này, diện tích trồng rau an toàn trong xã ước tính giảm trên dưới 40% do ND chuyển đổi từ màu sang trồng hoa Tết. Tuy diện tích có giảm nhưng do khí hậu thuận lợi, cây phát triển tốt nên năng suất tăng cao. Sản lượng cung ứng ra thị trường không ảnh hưởng nhiều.

“Đối với các thành viên trong HTX, cụ thể là các thành viên trong tổ hợp tác trồng rau an toàn, chúng tôi khuyến khích bà con giữ lại một phần diện tích để trồng rau, đủ số lượng cung cấp ra thị trường. Đồng thời, kêu gọi bà con khi xuống giống phải xem xét các hộ xung quanh, trải đều các loại rau màu, tránh tình trạng đụng hàng, dội chợ” - anh Diện cho biết.

Cũng theo anh Diện, hiện nay, sản lượng rau của tổ hợp tác rau an toàn vẫn đủ để đảm bảo cung ứng ra thị trường với khoảng 1,5 tấn mỗi ngày, cung cấp chủ yếu cho siêu thị và tại các chợ như: Mỹ Bình, Mỹ Long… Nhờ uy tín nên sản phẩm của HTX rau an toàn được thị trường chấp nhận, qua đó đem về nguồn thu nhập khá cho bà con ND.

ĐỨC TOÀN