Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang: Nhiều kết quả nghiên cứu góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

01/08/2018 - 06:56

 - Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) tỉnh An Giang đặt tại xã Vĩnh Bình (Châu Thành) với diện tích 36,87ha; nguồn nhân lực 42 người có trình độ sau đại học và đại học. Sau 5 năm hình thành và phát triển, trung tâm thực hiện nhiều chương trình, dự án về nghiên cứu phát triển, ứng dụng và thử nghiệm các CNSH tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực về CNSH chất lượng cao.

Nhiều kết quả nổi bật

Trung tâm đã nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp (NN). Trong đó tập trung nghiên cứu và phát triển các kết quả nghiên cứu liên quan đến sản xuất (SX) NN ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) hướng đến nền NN xanh, bền vững. Đã thực hiện 5 đề tài cấp tỉnh liên quan việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm (SP) từ cây dược liệu (lan gấm, thốt nốt…), hoa kiểng và nghiên cứu hiện đại hóa 2 bài thuốc y học cổ truyền đặc trưng trong hỗ trợ và điều trị bệnh.

Triển khai 5 dự án về lĩnh vực NN UDCNC như: xây dựng mô hình đa canh UDCNC, tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc; xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines nuôi cấy mô tại xã Bình Thành (Thoại Sơn); xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cà chua cao sản trong nhà màng tại TP. Châu Đốc...

 Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình CN, các SP giá trị cao như: quy trình SX phân vi sinh, giá thể sạch, quy trình nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, quy trình trồng cây dược liệu, các SP thủy sản, các loại giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình SX thực phẩm…

Nhằm tăng cường tiếp cận các thành tựu trong nghiên cứu KH trên thế giới, trung tâm đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, công ty, các nhà KH trong và ngoài nước, qua đó đã ký kết với Trường Đại học RMIT (Úc), Trường Đại học Saga (Nhật Bản) và công ty của Nhật Bản về nghiên cứu, phát triển các quy trình và SP trong lĩnh vực NN UDCNC; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực KH CN…

Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang: Nhiều kết quả nghiên cứu góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

Sản phẩm phân vi sinh của Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang

Một số sản phẩm nghiên cứu tiêu biểu

Giám đốc Trung tâm CNSH tỉnh Nguyễn Công Kha cho biết: “Trung tâm đã hoàn thiện quy trình và SX các SP phân hữu cơ vi sinh dưới dạng rắn và lỏng với chức năng cố định đạm, lân và Kali cho cây trồng. Kết quả thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn về kim loại nặng và hàm lượng Nitrate giảm từ 3-10 lần so với nghiệm thức sử dụng phân hóa học. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình SX SP giá thể sạch nhằm phục vụ nhu cầu SX các loại rau màu theo hướng an toàn. Trung tâm nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác một số loại rau màu, nấm ăn và nấm dược liệu… theo hướng an toàn, như: dưa leo, xà lách (thủy canh), cà chua bi...

Các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu từ phụ phẩm NN như: nấm đông trùng hạ thảo, nấm hầu thủ, nấm Hoàng Bạch... Trung tâm còn xây dựng quy trình trồng cây chùm ngây theo hướng an toàn để tiến hành làm vùng nguyên liệu cho SX trà túi lọc và thực phẩm chức năng, quy trình trồng và phát triển các SP theo hướng an toàn từ cây đinh lăng”.

Với Đề tài “Khảo nghiệm, chọn tạo các giống hoa và cây kiểng tiềm năng phục vụ phát triển du lịch vùng Bảy Núi, An Giang” trung tâm chủ trì thực hiện từ năm 2015 đến nay đã sưu tập, bảo tồn 77 giống hoa kiểng bản địa và các giống di thực có tiềm năng phát triển tại An Giang, xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm tại khu vực núi Cấm. Đã làm chủ quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô một số giống hoa kiểng; nhân nhanh một số giống trong bộ sưu tập hoa kiểng bằng phương pháp truyền thống.

 

Chuyển giao kết quả nghiên cứu, quy trình công nghệ

Là cơ quan nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong lĩnh vực CNSH trực tiếp vào thực tế và đời sống, trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện các quy trình CN SX có thể chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, đó là: quy trình nhân giống nuôi cấy mô cây và KT trồng thương phẩm cây cúc pha lê; tư vấn và chuyển giao quy trình: SX nấm đông trùng hạ thảo, SX trà túi lọc từ cây chùm ngây, SX rượu vang thốt nốt, SX rượu vang dâu tằm, nuôi cấy mô cây chuối, nuôi cấy mô cây hoa chuông, hoa đồng tiền...

Anh Kha cho biết: “Thời gian tới, ngoài nghiên cứu và phát triển các quy trình liên quan đến vấn đề ứng dụng KHCN vào cuộc sống, trung tâm tăng cường đào tạo và chuyển giao các kết quả KHCN cho doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng các thành tựu KHCN vào SX nhằm nâng cao chất lượng SP, đặc biệt là các SP trong NN và các SP phục vụ tiêu dùng như: rau màu, cây dược liệu được SX theo quy trình an toàn, hữu cơ, VietGAP hay Gobal GAP...

Tăng cường ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 vào các lĩnh vực NN, thủy sản và các vấn đề liên quan; ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa toàn bộ quy trình SX; CN sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng Smartphone, hệ thống thủy canh và khí canh, hệ thống Aquaponic. Đưa nhanh các SP nghiên cứu vào thương mại hóa và tăng cường đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các SP này.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU